Đợt đại dịch Ebola thứ 2 ở Congo đã khiến hơn 1.000 người tử vong

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm virus Ebola tại CHDC Congo.
Đợt đại dịch Ebola thứ 2 ở Congo đã khiến hơn 1.000 người tử vong ảnh 1Dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo đang có diễn biến phức tạp. (Nguồn: NPR)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 16/5, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm virus Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh hỗ trợ quốc gia Tây Phi này để đối phó với dịch bệnh.

Giám đốc Y tế và Chăm sóc Emanuel Capobianco của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, mặc dù đã có những thành công nhất định trong ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, nhưng số ca nhiễm mới Ebola vẫn gia tăng mạnh trong những tuần gần đây. Theo số liệu của Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo, tính đến ngày 11/5, có 20% trong số 1.671 trường hợp được cho là có liên quan đến dịch bệnh (nghi nhiễm và xác định đã nhiễm bệnh) được phát hiện trong 3 tuần gần đây.

[Tổng thư ký LHQ cam kết huy động mọi nguồn lực dập tắt dịch Ebola]

Ông Capobianco cho rằng, các hoạt động phòng chống sự lây lan của dịch bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do bất ổn về an ninh và thiếu hụt nguồn lực, cả về tài chính và phương tiện, thuốc men. Mặt khác, kể từ đầu tháng 5/2019, các cuộc giao tranh và đụng độ giữa các nhóm vũ trang và lực lượng an ninh đã buộc 12.000 người thuộc các tỉnh Bắc Kivu và Ituri ở phía Đông Congo phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Chính sự dịch chuyển của người dân ở các vùng dịch Ebola hoành hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch lây lan cũng như cản trở các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Vừa qua, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo đã ban hành một chiến lược mới để đối phó với dịch bệnh Ebola, trong đó huy động sự tham gia tổng thể của tất cả các bộ ngành, cùng sự chung tay của cộng đồng và hỗ trợ của quốc tế. Với chiến lược mới này, Congo hy vọng có thể kiểm soát được dịch bệnh trong vòng 3 tháng tới.

Kể từ khi đợt dịch Ebola thứ 10 được Cộng hòa Dân chủ Congo công bố ngày 1/8/2018, 1.632 người đã được xác nhận là nhiễm bệnh và 1.136 người tử vong. Đây chính là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử, sau đợt dịch năm 2014 - 2016 cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người ở Tây Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục