Đồng yen giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 5 năm trong phiên 14/3, trước khi diễn ra các cuộc họp của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, trong đó Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ là một trong những ngân hàng trung ương vẫn duy trì lập trường lãi suất thấp.
Một yếu tố cũng gây sức ép lên đồng yen và đồng tiền an toàn khác là đồng franc Thụy Sỹ là hy vọng về những tiến triển trong các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Wendy Sherman, nói rằng Nga đang phát đi các tín hiệu về việc sẵn sàng đàm phán với Ukraine.
Trong phiên sáng, đồng USD tăng lên tới 117,61 yen, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017, tiếp tục đà tăng trong tuần trước mà nguyên nhân theo các nhà phân tích tại Barclays là do nhu cầu giảm đối với các đồng tiền an toàn khi các thị trường chứng khoán phục hồi.
[Nhật Bản: BoJ bắt đầu mua lại trái phiếu để kiềm chế đà tăng lãi suất]
Đồng tiền của Mỹ cũng tăng giá so với đồng franc Thụy Sỹ, chạm mức 0,9363 USD, cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021.
Theo Barclays, lập trường lãi suất thấp của BoJ, ngược lại với xu hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang của Fed sẽ họp trong tuần này và gần như chắc chắn sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ các mức thấp được duy trì trong đại dịch, khi các nhà đầu tư cũng đang chờ các dự báo về tần suất và tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Trong khi đó, BoJ được cho là sẽ vẫn tiếp tục lập trường lãi suất thấp tại cuộc họp trong tuần này, khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế còn yếu.
Cũng họp trong tuần, Ngân hàng trung ương Anh được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản./.