Dòng vốn FDI từ các nền kinh tế lớn vào Trung Quốc vẫn ổn định

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nền kinh tế lớn đổ vào Trung Quốc vẫn ổn định và chưa có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đa quốc gia đang rút vốn khỏi đất nước này.
Dòng vốn FDI từ các nền kinh tế lớn vào Trung Quốc vẫn ổn định ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/4 cho biết dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nền kinh tế lớn đổ vào Trung Quốc vẫn ổn định và chưa có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đa quốc gia đang rút vốn khỏi đất nước này.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đơn Dương cho rằng môi trường pháp lý được cải thiện, cơ chế cạnh tranh thị trường công bằng, khả năng hỗ trợ công nghiệp tiên tiến và nhu cầu thị trường lớn đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn rất hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.

Những nhận định trên của Bộ Thương mại Trung Quốc được đưa ra sau khi một số công ty nước ngoài, trong đó có Microsoft, Panasonic và Sharp cho biết họ sẽ rút hoặc chuyển một phần hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc sang các thị trường đang phát triển khác hoặc chuyển về các cơ sở trong nước.

Bộ trên cho biết FDI đổ vào Trung Quốc tăng 11,3% trong quý 1 năm nay đạt 34,88 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư trực tiếp đổ ra nước ngoài (ODI) tăng 29,6%, lên 25,79 tỷ USD.

Cả hai số liệu ODI và FDI nói trên đều không tính tới lĩnh vực tài chính. Số các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới ở Trung Quốc tăng 22,4% trong thời gian trên lên 5.861 công ty.

Vùng lãnh thổ Đài Loan và Đặc khu hành chính Hong Kong cùng với Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Saudi Arabia nằm trong tốp 10 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất.

Người phát ngôn Thẩm Đơn Dương cho biết cho dù một số công ty đa quốc gia phàn nàn về môi trường đầu tư đang thay đổi ở Trung Quốc nhưng họ sẽ quen với mô hình phát triển thị trường mới này.

Theo quan chức này, đó là vì Trung Quốc đang thúc đẩy chuỗi giá trị và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp trong giai đoạn bình thường mới do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng với tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng chất lượng tăng trưởng tốt hơn.

Nhiều công ty quốc tế đầu tư nhiều vào ngành chế tạo của Trung Quốc nhưng do sức ép từ việc dư thừa công suất, tái cơ cấu, chuyển đổi và nâng cấp nên ngành này vẫn chứng kiến sự suy giảm FDI trong thời gian qua.

Theo thống kê, FDI từ Mỹ giảm 40,4% xuống 620 triệu USD trong quý 1 trong khi đầu tư từ Nhật Bản giảm 12,3% xuống 1,06 tỷ USD.

Một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Hợp tác kinh tế thương mại quốc tế Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ công nghiệp nhằm tìm kiếm thị trường tăng trưởng mới.

Kết quả là FDI trong ngành chế tạo sụt giảm nhưng lại tăng trong ngành dịch vụ. Mỹ và các quốc gia khác cần phải chuyển FDI sang ngành dịch vụ và ngành chế tạo cao cấp để mở rộng đầu tư ở Trung Quốc. FDI trong ngành dịch vụ đạt 21,59 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay, tăng 24,1% và chiếm tới 61,9% tổng vốn FDI. Trong khi FDI trong ngành chế tạo giảm 3,6% xuống 11,22 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng vốn FDI.

Phó Giám đốc University of International Business & Econnomics nhận định FDI vẫn là động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc cần khuyến khích các công ty nước ngoài sáp nhập với các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua việc cải cách quan hệ đối tác công-tư (PPP)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục