Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong thời gian tới, cùng với khả năng kiểm soát dịch COVID-19, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và khả năng phục hồi kinh tế sẽ là những xung lực mạnh, gỡ nút thắt về nguồn cung và “thổi làn gió mới” cho thị trường bất động sản phục hồi.
Thị trường đón nhận xung lực mới
Thông tin thêm về nhận định trên tại “Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường” diễn ra chiều 16/7, ông Lộc cho biết thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố, bao gồm: Sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung-cầu cũng như việc tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.
Đặc biệt, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch COVID-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020-2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.
[Bất động sản nghỉ dưỡng: Muốn đón ‘cá mập’ cần có ‘hộ chiếu vaccine’]
Bên cạnh đó, theo nhận định của Chủ tịch VCCI, năm 2021 cũng là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. "Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, đầu tư," ông Lộc nói.
Ngoài ra, cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam. Các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… cũng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.
“Những động thái trên đây đã, đang và sẽ có sức chi phối, định vị dòng vốn chảy vào các phân khúc thị trường nêu trên và kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, 'thổi làn gió mới' vào thị trường bất động sản,” ông Lộc nhấn mạnh.
Cần chú ý "khẩu vị" nhà đầu tư
Mặc dù vậy, ông Lộc cũng lưu ý thời gian tới các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại, công nghệ biến đổi, do đó các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng sắp tới đây.
Để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, ông Lộc cho biết từ năm 2019 VCCI đã gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh về sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu. Từ kiến nghị của VCCI, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã thành lập cơ quan rà soát chồng chéo pháp luật.
“Không những vậy, các vướng mắc liên quan đến pháp luật đất đai đã được phân tích và làm rõ tới 10 điểm trong Luật Đầu tư mới. Đặc biệt, Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ hơn nữa các nhà đầu tư, các nhà phát triển bất động sản,” ông Lộc cho hay.
Ngoài ra, khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, tâm lý thận trọng hơn của nhóm các nhà đầu tư, những kênh đầu tư lướt sóng như vàng và chứng khoán đều chưa khiến các nhà đầu tư thực sự an tâm khi xuống tiền, thì bất động sản vẫn chứng minh được rằng đây là kênh đầu tư hấp dẫn số một bất chấp biến động thị trường trong suốt thời gian giãn cách.
Với xu thế thị trường và những thay đổi nêu trên, ông Lộc nhận định năm 2021, cơ hội và các dòng đầu tư bất động sản sẽ nhiều hơn, song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy, mô thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn. Trong bối cảnh mới, "khẩu vị" của các nhà đầu tư cũng có nhiều thay đổi./.