Dòng vốn chính sách vẫn miệt mài “chảy” về vùng khó

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây tổn hại lớn cho nền kinh tế, dòng vốn chính sách vẫn miệt mài đến với người dân vùng khó theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau.”
Dòng vốn chính sách vẫn miệt mài “chảy” về vùng khó ảnh 1Hoạt động giao dịch vay vốn chính sách ở nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dịch COVID-19 đang gây tổn hại lớn cho nền kinh tế; trong đó khu vực nông thôn, vùng khó khăn là những nơi dễ bị tổn thương nhất. Trong bối cảnh đó, dòng vốn chính sách vẫn miệt mài đến với người dân vùng khó theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Gia đình chị Đinh Thị Thơ ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình thuộc hộ cận nghèo. Nguồn thu chính của gia đình chị phụ thuộc vào đồng lương công nhân của con trai. Tuy nhiên, những ngày qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, con trai chị không có việc làm phải nghỉ việc.

Trước khó khăn đó, chị Thơ được Hội phụ nữ xã Khánh Cư hướng dẫn tiếp cận tín dụng chính sách và đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để giải quyết công ăn việc làm. Số tiền này chị đầu tư nuôi bò sinh sản và gà thả vườn.

[Ngành ngân hàng quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn]

Chị Thơ chia sẻ, hiện tại con trai không có việc làm thì việc được vay vốn nuôi bò, gà như một cứu cánh. Chị hy vọng bò và đàn gà sẽ sinh sản và giúp cho gia đình thu nhập ổn định.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cấp, các ngành đã vào cuộc để nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư sản xuất.

Việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn luôn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, chế độ, đúng quy trình nghiệp vụ, phát huy hiệu quả và đáp ứng khá tốt nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng.

Việc điều hành kế hoạch tín dụng được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời giữa các đơn vị, giữa các chương trình được cho phép nên đã nâng cao hiệu suất sử dụng vốn. Qua đó, toàn tỉnh đã có hàng nghìn lao động thuộc hộ nghèo, hộ chính sách được tạo việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định.

Trong quý I/2020, Ninh Bình có gần 7.000 hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay trên 242 tỷ đồng; doanh số thu nợ trên 190 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt trên 2.472 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Ninh Bình, tính đến hết quý I/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.478 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Ninh Bình và các địa phương trong tỉnh đã dành một phần ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách cũng như người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến hết quý 1, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội gần 111 tỷ đồng, tăng 26,7 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 178% kế hoạch tăng trưởng năm 2020.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết, cùng với tập trung vốn triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Ninh Bình còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hộ vay vốn tín dụng chính sách bị ảnh hưởng do dịch bệnh và đã triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho khách hàng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng, ngay từ cuối tháng 1/2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện việc phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần chủ động có phương án phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng.

Các chi nhánh sát sao nắm bắt những ảnh hưởng, thiệt hại do dịch đối với sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn để có biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn như: hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay bổ sung khôi phục sản xuất kinh doanh.

Riêng đối với các xã bị khoanh vùng, cách ly để phòng chống dịch, Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng ngay biện pháp tạm dừng thu nợ gốc, thu lãi cho đến khi có thể tổ chức hoạt động giao dịch bình thường. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng tạm ngừng phiên giao dịch tại xã đối với các địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến của dịch như: Hà Nội, Bến Tre, Bình Thuận và Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến nông sản, thủy sản mất giá, lệnh cấm thông quan hàng hóa khiến sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu, gây thiệt hại cho người dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chủ động các biện pháp hỗ trợ khách hàng.

Ngân hàng Chính sách Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ 1/4/2020 đến hết năm 2020 hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

Tính đến cuối tháng 3/2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gia hạn nợ cho 5.781 món vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 606 món với số tiền gốc hơn 14,4 tỷ đồng. Cho vay bổ sung để duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh 1.757 món vay với số tiền trên 51,6 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục