Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, vì vậy dòng vốn tín dụng chính sách đã đến được với nhiều hộ nghèo.
Gần 2,2 triệu hộ được vay vốn ưu đãi
Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, năm 2019, nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm đã giúp cho gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đây là một trong rất nhiều kết quả nổi bật của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong năm 2019, góp phần hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn này, hơn 266.000 lao động có việc làm; hơn 36.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 20.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
[Năm 2019 tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 206.805 tỷ đồng]
Bà Hương cũng cho hay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...
Đặc biệt đối với các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngoài việc động viên, thăm hỏi kịp thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn khôi phục sản xuất.
Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn như: thực hiện tốt công tác phát hành trái phiếu theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước; tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân tại trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực thu hồi tốt nợ đến hạn của các chương trình để thực hiện cho vay quay vòng, với số tiền 54.071 tỷ đồng, tăng hơn 8.183 tỷ đồng so với năm 2018, bằng 74% doanh số cho vay.
Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến 31/12/2019, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.435 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ. Công tác phối kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ; tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt chất lượng tốt và khá đạt trên 93%; việc xác định đối tượng vay vốn và thực hiện quy trình cho vay được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, việc sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao.
Năm 2019 cũng là năm thứ 5 triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 11.610 tỷ đồng, riêng năm 2019 tăng 3.634 tỷ đồng so với cuối năm 2018, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt 15.443 tỷ đồng.
Bà Trần Lan Phương cho biết, nếu như 12 năm kể từ khi thành lập, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chưa đến 4.000 tỷ đồng, thì trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn này tăng hơn 12.000 tỷ đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi của người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương.
Hiệu ứng từ chương trình nâng mức và thời hạn cho vay
Trong thời gian qua, trên cơ sở nhiều ý kiến của khách hàng vay vốn, cử tri trong cả nước, đại biểu Quốc hội, chính quyền các địa phương kiến nghị nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các chương trình tín dụng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, kể từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay, việc cho vay nâng mức và nâng thời hạn cho vay là chủ trương đúng đắn, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao. Việc này đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn theo nhu cầu của phương án sản xuất kinh doanh...
Theo thống kê, tết quả cho vay nâng mức 4 chương trình tín dụng (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi) đến 31/12/2019 là 42.157 món vay, với số tiền 3.066.843 triệu đồng.
Ông Tuấn nhấn mạnh, các chương trình tín dụng này đã đáp ứng nhu cầu của hộ vay, giúp hộ vay không phải đi vay thêm tiền bên ngoài hoặc tiếp cận với các hình thức tín dụng, vay nặng lãi, góp phần là một trong những giải pháp hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước.
Bà Phương cho biết, năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020, vì vậy ngân hàng đặt nhiệm vụ thực hiện tốt kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có thiệt hại về thiên tai, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới./.