Động vật có vú nhiều khả năng sống sót hơn trong điều kiện khắc nghiệt

Kết quả nghiên cứu gần 11.500 loài động vật sống sót qua những thay đổi nóng-lạnh trong 270 triệu năm cho thấy các loại vật máu nóng có khả năng sinh tồn vượt trội các loại bò sát, động vật lưỡng cư.
Động vật có vú nhiều khả năng sống sót hơn trong điều kiện khắc nghiệt ảnh 1Loài khủng long Triceratop 3 sừng đã bị tuyệt chủng. (Nguồn: fineartamerica.com)

Tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution số ra ngày 29/1 công bố một nghiên cứu cho thấy động vật có vú và các loài chim có khả năng chống chịu tốt nhất đối với tình trạng biến đổi khí hậu nhanh chóng trên Trái Đất.

Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học phân tích xem gần 11.500 loài động vật đã sống sót qua những thay đổi nóng - lạnh của thời tiết trong hơn 270 triệu năm qua như thế nào.

Kết quả cho thấy các loài vật máu nóng có khả năng chống chịu tốt hơn loài bò sát và động vật lưỡng cư.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Jonathan Rolland, thuộc trường Đại học British Columbia, cho biết động vật có vú và các loài chim có khả năng sinh tồn và mở rộng phạm vi sinh sống của mình tốt hơn tất cả các loài động vật khác.

[[Videographics] Báo động sự tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật]

Theo ông, việc này có thể "tác động lớn" đến số các loài tuyệt chủng và cung cấp một bức tranh về thế giới trong tương lai.

Các loài động vật máu nóng có thể điều chỉnh thân nhiệt, cho phép chúng giữ ấm cho những đứa con trong bụng hoặc con của mình, và tăng cơ hội sống sót.

Nhóm này, bao gồm các động vật có vú và các loài chim, có thể di cư hoặc ngủ đông dễ dàng hơn các loài động vật máu lạnh, loài mà thân nhiệt do môi trường bên ngoài quyết định.

Khi một tảng đá lớn trong vũ trụ lao vào Trái Đất cách đây 66 triệu năm, mảnh vỡ của nó đã đi vào khí quyển và làm giảm nhiệt độ của hành tinh trong nhiều thập kỷ.

Cú va chạm này đã "xóa sổ" loài khủng long không biết bay, từ loài khủng long T-Rex đến khủng long Triceratop 3 sừng. Nhưng các loại động vật có vú máu nóng sống trên cạn vẫn sống sót, và kể từ đó phát triển trong khi toàn bộ loài khủng long biến mất khỏi Trái Đất.

Sự nóng lên toàn cầu hiện nay đã tạo ra một cuộc tuyệt chủng hàng loạt khác. Đây là lần đầu tiên kể từ sau "ra đi vĩnh viễn" của khủng long, và là lần thứ 6 trên Trái Đất trong vòng nửa tỷ năm trở lại đây.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy nhiều loài vật đang dần biến mất, nhanh gấp 100 lần so với trước thời Cách mạng Công nghiệp, khi nhiệt độ bắt đầu tăng lên.

Nhìn vào các hồ sơ hóa thạch và dữ liệu di truyền học, ông Rolland và các đồng nghiệp xây dựng sơ đồ cho thấy các loài động vật đã sống ở đâu trong 270 triệu năm qua, kèm theo phạm vi nhiệt độ cho phép chúng tồn tại.

Ví dụ, khi hành tinh "xanh" lạnh đi cách đây khoảng 40 triệu năm, các loài động vật có vú và chim vẫn thích nghi tốt và chuyển sang nơi ở mới. Trong khi đó, các loài động vật máu lạnh không thích nghi được.

Đó là lý do tại sao chúng ta không thấy có nhiều loài bò sát và động vật lưỡng cư ở Nam Cực hay cả ở những khu vực khí hậu ôn hòa.

Nghiên cứu cuộc tiến hóa và các đợt tuyệt chủng trong quá khứ có thể cung cấp các dấu vết quan trọng cho thấy sự thay đổi khí hậu do con người gây ra hiện nay - nhanh hơn bất kỳ biến đổi tự nhiên nào từng xảy ra trước đây - sẽ ảnh hưởng như thế nào tới đa dạng sinh thái trên Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục