Đồng USD đã phục hồi trong phiên giao dịch 28/1 tại thị trường châu Á, sau khi lùi bước trước cả đồng euro và đồng yen vào phiên trước, do phải tiếp nhận các thông tin tiêu cực từ kinh tế Mỹ, cũng như tâm lý dè chừng của giới đầu tư trước thềm cuộc họp chính sách đầu năm mới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch chiều 28/1, tại thị trường Tokyo, đồng USD giao dịch ở mức 118,16 yen/USD, tăng so với mức tương ứng 117,90 yen/USD ghi nhận trong phiên giao dịch đêm trước (ngày 27/1) tại thị trường New York.
Đồng bạc xanh cũng đảo chiều đi lên so với đồng euro, khi tiến từ mức 1,1380 USD/euro lên 1,1335 USD/euro. Tuy nhiên, đồng tiền chung châu Âu hiện vẫn cao hơn mức thấp 11 năm vào đầu tuần này. Đồng yen tiếp tục lên giá so với đồng euro trong phiên 28/1, giao dịch ở mức 133,93 yen/euro, so với mức giao dịch của phiên trước là 134,19 yen/euro.
Xu hướng bán tháo đồng USD diễn ra sôi động trong phiên giao dịch 27/1 tại thị trường Mỹ, sau khi Bộ Thương mại nước này công bố báo cáo cho hay trong tháng 12/2014, lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ giảm tháng thứ tư liên tiếp và lượng đơn đặt hàng hóa lâu bền tại nền kinh tế lớn số một thế giới cũng đã giảm 3,4%.
Đây là dấu hiệu cho thấy nhịp độ tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu có tác động đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, báo cáo đáng thất vọng về lợi nhuận kinh doanh quý 4/2014 của một số doanh nghiệp lớn như Caterpillar, Microsoft, và Procter & Gamble, càng khiến đồng bạc xanh xuống giá.
Tuy nhiên, đồng tiền này đã lấy lại đà tăng tại thị trường châu Á trong phiên 28/1 nhờ những đồn đoán về khả năng Fed sẽ vạch rõ lộ trình nâng lãi suất sau cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2015, cũng như những tín hiệu tích cực từ Hy Lạp, khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, vừa tuyên bố rằng định chế này sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp và sẽ tiến hành thảo luận với chính phủ mới của nước này, nhằm tránh kịch bản Athens rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Cũng trong phiên này, đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khu vực châu Á Thái Bình Dương như đồng rupee của Ấn Độ, won của Hàn Quốc, đồng peso của Philippines, đồng SGD của Singapore, đồng baht của Thái Lan, đồng rupiah của Indonesia. Song đồng nội tệ Mỹ lại không biến động đáng kể so với đồng TWD của Đài Loan./.