Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày 10/7, chịu sức ép từ đồng USD mạnh hơn.
Xu hướng này tiếp diễn có thể khiến mặt hàng kim loại quý này trở lại mức thấp nhất bảy tháng từng ghi nhận vào tuần trước, sau khi đi lên trong phiên 9/7.
Cuối phiên này, tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.255,09 USD/ounce, sau khi lên mức cao nhất kể từ ngày 26/6 là 1.265,87 USD/ounce vào phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2018 cũng hạ 4,2 USD (0,3%), xuống 1.255,40 USD/ounce.
Theo chuyên gia phân tích Carsten Fritsch từ ngân hàng Commerzbank (Đức), nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, nhiều khả năng vàng sẽ lại chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2017 là 1.240 USD/ounce hồi tuần trước.
Giá của mặt hàng kim loại quý này hiện vẫn đang trên đà đi xuống kể từ sau khi leo lên mức 1.365,23 USD/ounce vào ngày 11/4, cao nhất kể từ ngày 25/1 năm nay.
Phiên này, chỉ số đồng USD - thước đo đánh giá diễn biến của đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền quốc tế chủ chốt tăng 0,33%, lên 94,386, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng Sáu vào ngày 9/7.
[Giá vàng thế giới chạm mức đỉnh của hai tuần khi đồng USD suy yếu]
Thị trường cổ phiếu khởi sắc dẫn tới nhu cầu đồng USD cao hơn, qua đó khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như vàng trở nên đắt đỏ hơn.
Giới đầu tư hiện vẫn đang thận trọng dõi theo các diễn biến của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuần trước, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế nhập khẩu 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD của nhau, làm gia tăng nguy cơ dẫn tới cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Theo Naeem Aslam, nhà phân tích chính về thị trường từ ThinkMarkets.com, cho tới nay tác động của các cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn tới thị trường vàng vẫn còn hạn chế.
Sau khi thị trường đóng cửa, nguồn tin chính phủ Mỹ xác nhận chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ công bố danh sách các hàng hóa bổ sung của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD phải chịu thuế của Mỹ sớm nhất là vào tháng Chín tới.
Quyết định được đưa ra sau khi hai bên không đạt được nhất trí về một giải pháp cho các tranh chấp thương mại hiện nay sau khi thương lượng. Tình hình gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế này được đánh giá sẽ tác động mạnh hơn tới thị trường thế giới trong thời gian tới.
Cũng trong phiên 10/7, giá bạc giảm 0,13%, xuống 16,05 USD/ounce. Giá bạch kim mất 0,8%, xuống 840,25 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium lùi 2%, xuống 941,25 USD/ounce./.