Đồng USD hướng đến chuỗi tăng giá dài nhất kể từ năm 2014

Chỉ số đồng USD đang hướng đến tuần tăng thứ tám liên tiếp, chỉ số này đã ổn định ở mức 105,02 vào đầu phiên 8/9 - không xa so với mức cao nhất sáu tháng qua ghi nhận trong phiên trước đó là 105,15.
Đồng USD hướng đến chuỗi tăng giá dài nhất kể từ năm 2014 ảnh 1Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phiên 8/9, đồng USD đang hướng đến chuỗi tăng giá theo tuần dài nhất trong chín năm qua, nhờ loạt số liệu kinh tế khả quan của Mỹ, yếu tố cũng làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất.

Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã ổn định ở mức 105,02 vào đầu phiên này, không xa so với mức cao nhất sáu tháng qua ghi nhận trong phiên trước đó là 105,15. Chỉ số này đang hướng đến tuần tăng thứ tám liên tiếp.

Số liệu được công bố tuần này cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã bất ngờ tăng tốc trong tháng Tám, và số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai.

Trong khi đó, ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), sản lượng công nghiệp tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã giảm nhiều hơn dự đoán trong tháng Bảy.

Đồng euro, thành phần lớn nhất trong chỉ số đồng USD, đang hướng đến tuần giảm giá thứ tám liên tiếp.

[Đồng USD sẽ tiếp tục tăng trước khi sụt giảm vào năm 2024]

Tương tự, đồng bảng Anh cũng đang biến động gần mức thấp nhất ba tháng qua ghi nhận trong phiên trước, và đang hướng đến mức giảm hơn 0,8% tính chung cả tuần này.

Tại châu Á, giới giao dịch đang quan tâm đến diễn biến của đồng nhân dân tệ, sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất 16 năm qua trong phiên trước. Đồng nhân dân tệ đã nhích nhẹ trong phiên này nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất 10 tháng qua là 7,3490 nhân dân tệ đổi 1 USD ghi nhận trong tháng Tám.

Đồng tiền này đang hướng đến mức giảm gần 1% cả tuần này so với đồng USD, mức giảm theo tuần mạnh nhất trong khoảng một tháng qua..

Đồng nhân dân tệ đã giảm đều kể từ tháng Hai, khi đà phục hồi kinh tế chậm sau đại dịch và sự chênh lệch lãi suất ngày càng cao với các nền kinh tế khác, nhất là Mỹ, đã ảnh hưởng đến dòng vốn và thương mại.

Đồng nhân dân tệ đã giảm gần 6% so với đồng USD trong năm nay, qua đó trở thành một trong những đồng tiền có diễn biến tệ nhất tại châu Á.

Cũng trong phiên này, đồng yen của Nhật Bản tăng 0,15% lên 147,06 yen đổi 1 USD, nhưng vẫn yếu hơn mức 145 yen đổi 1 USD là mức khiến giới chức Nhật Bản phải có động thái can thiệp vào năm ngoái.

Dù giới chức Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực bảo vệ đồng yen, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục