Dòng tiền quay lại thị trường kim loại và năng lượng thế giới

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị leo thang, rủi ro căng thẳng thương mại gia tăng, giá của toàn bộ 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đi lên và thị trường năng lượng cũng có đà tăng giá tích cực.
Bạch kim. (Nguồn: Market News)

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (3/12).

Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,73% lên 2.178 điểm. Kim loại và năng lượng là hai nhóm hấp dẫn được dòng tiền đầu tư trong suốt phiên giao dịch.

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị leo thang, rủi ro căng thẳng thương mại gia tăng, giá của toàn bộ 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đi lên.

Bên cạnh đó, thị trường năng lượng, bao gồm dầu thô cũng ghi nhận đà tăng giá tích cực.

Sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc phục hồi 2,03% lên 31,49 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng hơn 1% lên mức 960,2 USD/ounce.

Với vai trò là "hầm trú ẩn an toàn" mỗi khi nền kinh tế có biến động, kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang và rủi ro căng thẳng thương mại gia tăng.

Hôm qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố cấm xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng có khả năng ứng dụng trong quân sự sang Mỹ.

Thông báo của Trung Quốc được đưa ra sau khi Mỹ có động thái can thiệp với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Trước đó, Mỹ cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu sản phẩm sang 140 công ty nước này, gồm 20 doanh nghiệp bán dẫn, 2 công ty đầu tư và hơn 100 nhà sản xuất máy công cụ làm chip.

Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu sau phiên tăng mạnh vào hôm qua cũng góp phần hỗ trợ cho giá kim loại quý. Chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền ngoại tệ mạnh khác, chốt phiên hôm qua giảm gần 0,1% xuống 106,37 điểm.

Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng đồng loạt tăng giá trong phiên hôm qua, chủ yếu được hỗ trợ nhờ kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục kích thích kinh tế. Trong số đó, giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng và quặng sắt tăng lần lượt 1,73% lên 9.263 USD/tấn và tăng 0,48% lên 105,11 USD/tấn.

Giá dầu hồi phục sau chuỗi giảm và giằng co liên tiếp

Theo MXV, giá dầu thô đồng loạt tăng mạnh kết thúc chuỗi nhiều phiên giảm và giằng co trước đó.

Đóng cửa phiên hôm qua, giá dầu thô WTI tăng vọt 2,7% lên gần 70 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent cũng tăng 2,49% lên mốc 73,6 USD/thùng.

Kho dự trữ dầu thô ở Carson, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Trung Đông, Israel liên tiếp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong nhiều ngày, sau khi lên tiếng tố cáo lực lượng Hezbollah phớt lờ các yêu cầu của thỏa thuận.

Do đó, thị trường đang theo dõi chặt chẽ căng thẳng giữa Israel và Iran, khi một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia này có thể ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực Trung Đông và gián đoạn dòng chảy dầu thô.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi cuộc họp chính sách tháng 12 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh (OPEC+). Diễn biến giá dầu thô hôm qua cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng OPEC+ sẽ duy trì các biện pháp cắt giảm sản lượng trong quý 1/2025, có thể giúp thị trường dầu thô thế giới “hạ cánh mềm.”

Theo dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 29/11 tăng 1,23 triệu thùng, trái với kỳ vọng giảm 2,06 triệu thùng của thị trường.

Điều này đánh dấu tuần thứ 6 trong vòng 12 tuần tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu của nước này và gây áp lực lên giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục