Báo cáo chính sách do Trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế S.Rajaratnam (RSiS) công bố với tựa đề “Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc và những tác động đối với ASEAN” có nội dung chính như sau:
Sự gia tăng mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã đi kèm với xu hướng tăng trưởng tương đương trong các hoạt động thanh toán kỹ thuật số, trong đó có việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số mới nằm ngoài tầm ngắm của các ngân hàng trung ương.
Điều này làm dấy lên lo ngại về việc kiểm soát nguồn cung tiền và thực thi chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương đã phản ứng bằng việc nghiên cứu thử nghiệm về các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ, hay còn gọi là CBDC - Đồng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành).
Trong số những ngân hàng đi đầu trong nỗ lực này là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương). Điều này khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ mang lại điều gì cho Trung Quốc, đồng thời sẽ tạo ra những mối quan ngại và cơ hội nào cho ASEAN?
Vai trò của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số
Tháng 4/2020, PBoC trở thành một trong những ngân hàng trung ương lớn đầu tiên bắt đầu thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (DCEP) ở 4 thành phố, với kế hoạch mở rộng thử nghiệm đến các đô thị lớn. Dự án được đẩy nhanh hơn nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
Không giống như nhiều CBDC khác đang được xem xét, nơi việc sử dụng sẽ chỉ giới hạn trong các giao dịch bán buôn giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương, DCEP sẽ là một loại tiền kỹ thuật số bán lẻ được phát hành thông qua các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cho các ví điện tử cá nhân được PBOC phê duyệt. DCEP sẽ cho phép người dùng giao dịch trực tuyến hoặc ngoại tuyến mà không cần có tài khoản ngân hàng, khiến đồng tiền này trở thành một công cụ mạnh mẽ trong các giao dịch tài chính.
[Đồng nhân dân tệ số hóa: Đối thủ đáng gờm của đồng bạc xanh]
Được thiết kế như một lựa chọn thay thế cho tiền mặt, DCEP là một loại tiền tệ kỹ thuật số do chính phủ phát hành, có thể truy cập được trên toàn cầu.
Trái ngược với Bitcoin, DCEP được thiết kế để đáp ứng một số mục tiêu kinh tế và chính trị chiến lược của Chính phủ Trung Quốc. Đồng tiền này có thể được lập trình và do đó có thể được giám sát chặt chẽ, đồng thời cũng có những hạn chế được đặt ra đối với người sử dụng cuối cùng.
Tất cả các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được theo dõi thông qua ví điện tử của chủ sở hữu và được ghi lại trong hệ thống dữ liệu của chính phủ.
Dữ liệu này cũng có thể được sử dụng làm đầu vào cho chương trình giám sát kỹ thuật số của Trung Quốc, được gọi là “Hệ thống tín dụng xã hội.”
Các tổ chức tài chính sẽ được yêu cầu hỗ trợ DCEP với 100% dự trữ tiền tệ của mình, do đó loại bỏ rủi ro định giá và khả năng đầu cơ vào tiền tệ.
Nếu được chấp nhận rộng rãi, DCEP sẽ thúc đẩy sự bao trùm về tài chính và giảm trốn thuế, rửa tiền và tham nhũng; thúc đẩy thanh toán quốc tế; giảm chi phí phát hành, phân phối và duy trì tiền mặt; và thúc đẩy sự hiệu quả của chính sách tiền tệ bằng cách tạo dữ liệu thời gian thực.
Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của thanh toán kỹ thuật số cá nhân ở Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về sự thống trị áp đảo của hai công ty lớn trong khu vực tư nhân, AliPay và WeChat Pay, vốn đang xử lý 93% thanh toán di động ở Trung Quốc.
Ngoài việc ảnh hưởng đến quyền kiểm soát thanh toán và cung ứng tiền của PBoC, các sự cố mạng lưới có thể dẫn đến sự bất ổn nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho sức khỏe của hệ thống tài chính.
Trong bối cảnh đó, DCEP sẽ hỗ trợ PBOC kiểm soát các dòng tiền và liên kết các hệ thống thanh toán khác nhau. Hơn nữa, trong trường hợp thực hiện một chương trình kích thích tài khóa hoặc sau một thảm họa thiên nhiên, DCEP sẽ cho phép PBOC thực hiện các biện pháp can thiệp có mục tiêu, bỏ qua các ngân hàng và trực tiếp chuyển tiền cho người nhận, do đó ngăn chặn việc sử dụng sai các nguồn vốn được phân bổ.
Tác động của chính sách tiền tệ là rất sâu rộng. Nếu DCEP thay thế hoàn toàn tiền mặt và tiền gửi, đồng tiền này có thể cho phép thực hiện lãi suất âm, mặc dù điều này có thể tạo ra tác động phân bổ bất lợi - tổn hại tới người gửi tiết kiệm, trong khi những người giàu có sẽ chuyển sang các tài sản thay thế đắt tiền.
Ý nghĩa đối với ASEAN
Khi kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, PBoC đã tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đồng thời với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình nhằm giảm sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ.
Đồng nhân dân tệ được quốc tế hóa sẽ giúp các công ty Trung Quốc giảm chi phí vốn và rủi ro tiền tệ, đồng thời giúp huy động vốn dễ dàng hơn. Ngoài việc chuyển khoản thanh toán gần như tức thời, DCEP sẽ làm giảm rủi ro với bên đối tác và chi phí chuyển tiền qua biên giới.
Năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa đồng nhân dân tệ vào Giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của mình như một loại tiền dự trữ chính thức. Kể từ đó, đồng nhân dân tệ đã đạt được một số tiến bộ, dù còn hạn chế, trong việc đạt được sự chấp nhận.
Đến cuối tháng 6/2020, đã có khối lượng đồng nhân dân tệ trị giá 230 tỷ USD được giữ trong dự trữ ngoại hối chính thức (chiếm 2% tổng dự trữ), so với mức 6.900 tỷ USD (tương đương 62%), đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ năm trên thế giới - sau đồng USD, đồng euro, đồng yen Nhật và đồng bảng Anh.
Tiền kỹ thuật số có khả năng thúc đẩy nhu cầu sử dụng quốc tế của đồng nhân dân tệ. Một nghiên cứu gần đây của Morgan Stanley dự báo rằng tùy thuộc vào tăng trưởng kinh tế ổn định và việc loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn, trong vòng một thập kỷ tới, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ có thể tăng lên từ 5 đến 10% tổng dự trữ toàn cầu.
Được kết nối sâu rộng với nền kinh tế Trung Quốc thông qua thương mại, đầu tư, du lịch, liên kết giao lưu nhân dân và đường biên giới dài, ASEAN có thể là khu vực hứa hẹn nhất thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ điện tử.
Đến giữa năm 2020, do các đợt đóng cửa và hoạt động kinh tế chậm lại dẫn đến cản trở thương mại với châu Âu và Bắc Mỹ, và sự hồi sinh dần dần của một số nền kinh tế Đông Nam Á, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Thương mại Trung Quốc-ASEAN đã tăng lên 1.600 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020, chiếm 14,7% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, so với kim ngạch với Mỹ và Liên minh châu Âu lần lượt là 11% và 13,9%.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được Trung Quốc và ASEAN ký kết vào tháng 11/2020, có khả năng sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ này.
Liệu Trung Quốc có thể sử dụng cam kết kinh tế ngày càng sâu rộng và ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực để gây áp lực buộc các thực thể Đông Nam Á sử dụng đồng nhân dân tệ cho các giao dịch thương mại?
Sức nặng của Trung Quốc trong thương mại quốc tế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng DCEP, nhất là các doanh nghiệp tại các quốc gia nơi Trung Quốc là đối tác thống lĩnh về thương mại và đầu tư.
Trong khi hầu hết thương mại của ASEAN với Trung Quốc được tính bằng USD, vai trò của đồng nhân dân tệ trong khu vực và xa hơn nữa là trong các thoả thuận thương mại ngày càng tăng, nhờ sự phát triển của hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới.
Thượng Hải đang phát triển thị trường hàng hóa phái sinh tính bằng đồng nhân dân tệ. Đến tháng 8/2019, các thỏa thuận xuyên biên giới sử dụng đồng nhân dân tệ của khu vực này đã vượt mốc 1.000 tỷ nhân dân tệ.
Các ứng dụng thanh toán lớn nhất của Trung Quốc như WeChat Pay và Alipay đã và đang xâm nhập vào một số quốc gia, nhưng để đạt được sức hút, họ cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi thành nội tệ trong ứng dụng. Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng đồng DCEP sẽ được sử dụng rộng rãi trong Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào năm 2022.
Trung Quốc có thể triển khai nhiều đòn bẩy để mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ điện tử, bao gồm việc thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đầu tư vào hơn 68 quốc gia và thông qua khuyến khích cho vay bằng đồng nhân dân tệ tại Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), và khuyến khích sử dụng trong các Khu Thương mại Tự do tại Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang xây dựng các thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài, khuyến khích phát hành trái phiếu Dim Sum bằng đồng nhân dân tệ và thúc đẩy đầu tư tài chính xuyên biên giới.
Tốc độ và sự tiện lợi mà đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mang lại có thể khiến đồng tiền này trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp giao dịch với Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp từ ASEAN và các nền kinh tế khác có tiền tệ yếu.
Trung Quốc hiện có 15% kim ngạch ngoại thương sử dụng đồng nhân dân tệ và con số này sẽ tăng lên khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thoát ra khỏi suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. PBoC đang thúc đẩy chuyển đổi từ hệ thống SWIFT do phương Tây thống trị sang Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của chính Trung Quốc.
Là một giải pháp thay thế cho đồng USD vốn đang thống trị, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ cho phép Trung Quốc bỏ qua các lệnh trừng phạt, cho phép người dùng tránh sự giám sát của hệ thống SWIFT. Xuất khẩu dầu từ Nga, Iran và Venezuela có thể được thanh toán trong DCEP, do đó tránh được các lệnh trừng phạt.
Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ: Những thách thức
Tuy nhiên, 4 yếu tố có thể hạn chế việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Thứ nhất, việc chấp nhận đồng nhân dân tệ như một đồng tiền dự trữ sẽ phụ thuộc vào sự tin tưởng và niềm tin được đặt vào đồng tiền này.
Niềm tin được định hình bởi sự ổn định của đồng tiền và hồ sơ theo dõi theo thời gian, đặc biệt là trong những thời kỳ hỗn loạn. Cho đến nay, trong thời kỳ căng thẳng, Chính phủ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang chế độ can thiệp với vấn đề kiểm soát vốn và tiền tệ, một chiến lược khó có thể thu phục được nhiều người và sẽ không khuyến khích các giao dịch hoặc dự trữ bằng đồng nhân dân tệ.
Ngoài ra, việc sử dụng một đồng tiền cũng được định hình bởi vị thế tài khoản vãng lai của quốc gia phát hành. Đối với Trung Quốc, để khuyến khích các nước khác sử dụng đồng nhân dân tệ, họ nên cho phép FDI trong và ngoài nước được tính bằng đồng nhân dân tệ, thúc đẩy Singapore và London trở thành các trung tâm giao dịch nhân dân tệ và phát triển thành một nhà nhập khẩu ròng hàng hóa lớn để đồng nhân dân tệ có thể được sử dụng như thanh toán cho những hàng nhập khẩu đó.
Việc quốc tế hóa một loại tiền tệ phụ thuộc vào các thị trường mở cho phép đồng tiền tìm thấy giá trị thị trường của nó. Trung Quốc đã duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với dòng vốn để bảo vệ nền kinh tế của mình trước sự bất ổn.
Những hạn chế về khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền này như một loại tiền tệ quốc tế. Triển vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng sẽ được định hình bởi tính thanh khoản và độ sâu của thị trường tài chính và vốn của Trung Quốc, cũng như sự sẵn có của các công cụ tài chính để phòng hộ trước các rủi ro tiền tệ và các rủi ro khác.
Về những vấn đề này, đồng nhân dân tệ không chỉ đứng sau đồng USD mà còn cả các loại tiền tệ mạnh khác. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường tài chính Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách. Những “người chơi” toàn cầu ở ASEAN, dù là công ty đa quốc gia, nhà đầu tư quốc tế hay ngân hàng, đều mong muốn hoạt động trong môi trường đa tiền tệ với khả năng dễ dàng tiếp cận với các loại tiền tệ toàn cầu, có tính thanh khoản cao - điều cần thiết trong thế giới hội nhập cao ngày nay.
Triển vọng đối với đồng nhân dân tệ sẽ sáng sủa hơn khi có sự ổn định địa chính trị và tăng trưởng kinh tế. Bởi vì, bất chấp sự thu hút của CBDC, những “người chơi” trên thị trường vẫn tìm kiếm sự ổn định, khả năng dự đoán được cũng như sự định giá thị trường độc lập của một đồng tiền.
Kể từ khi IMF thêm đồng nhân dân tệ vào bốn loại tiền tệ hiện có trong rổ SDR vào năm 2016 với tỷ trọng 10,9%, sự gia tăng của đồng nhân dân tệ với tư cách là đồng tiền dự trữ chủ yếu có được nhờ sự sụt giảm của các đồng euro, yen, bảng Anh, chứ không phải đồng USD.
Ngoài ra, bản chất có thể lập trình của DCEP và việc mất hoàn toàn quyền riêng tư, cùng với khả năng giám sát và kiểm soát việc sử dụng tiền cuối cùng của PBoC có thể là yếu tố ngăn cản những người tham gia thị trường xem xét DCEP.
Có những biện pháp khắc phục rõ ràng cho vấn đề này, bao gồm ký kết thỏa thuận với các ngân hàng trung ương khác ban hành CBDC, đảm bảo khả năng tương tác giữa các CBDC khác nhau, các giao thức chung được các ngân hàng trung ương đồng ý, giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư, quản lý dữ liệu và đảm bảo về một cơ chế điều tiết minh bạch.
Những lựa chọn của ASEAN
ASEAN nên làm gì để duy trì quyền tự chủ trong việc lựa chọn tiền tệ cho thương mại và tài chính quốc tế? ASEAN sẽ không sớm xem xét việc hội nhập tiền tệ hoặc một loại tiền kỹ thuật số chung của khối, do sự không đồng nhất rộng lớn của khu vực.
Nhu cầu tự chủ chiến lược trong thương mại của khu vực khiến khu vực này được coi là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ASEAN nên bắt đầu bằng cách củng cố cấu trúc khu vực và hợp tác hướng tới việc áp dụng một lập trường chung đối với việc sử dụng tiền tệ, đặc biệt là giữa các quốc gia thương mại chính của khối.
Khuôn khổ Hội nhập Kỹ thuật số ASEAN, một phần trong kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, cung cấp một nền tảng cho các cuộc thảo luận tăng cường về CBDC cho khu vực và về các vấn đề hợp tác và bảo vệ sự ổn định tài chính khi phải cạnh tranh với DCEP. Mặc dù tốc độ thử nghiệm khác nhau giữa các khu vực, dự án Ubin của Singapore vẽ ra một chương trình nghị sự mở rộng giúp đơn giản hóa việc sử dụng trên các nền tảng.
Tương tự, Thái Lan và Campuchia đã khởi động các dự án đang ở giai đoạn hoàn thiện, trong khi các nước khác đang xem xét nghiêm túc, với các chương trình thử nghiệm dự kiến trong tương lai gần.
Để giải quyết những thách thức phát sinh từ DCEP, các Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng trung ương ASEAN có thể xem xét thiết lập một nền tảng rộng khắp khu vực bao gồm các tiêu chuẩn chung toàn cầu nhằm khuyến khích việc áp dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật đối với số đông những người không có tái khoản ngân hàng trong ASEAN.
Đồng thời, cần phát triển các giao thức cho phép ASEAN giao dịch với các loại tiền kỹ thuật số được phát triển ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả DCEP.
ASEAN nên hướng tới một lập trường chung của khu vực về các vấn đề tiền tệ. Vì ASEAN giao dịch tích cực với các cường quốc kinh tế khác, nhu cầu về khả năng cạnh tranh và tự chủ cho thấy ASEAN cần duy trì sự linh hoạt và tự chủ trong giao dịch với các đối tác thương mại lớn khác như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có sự đa dạng hóa và hiện diện ở hầu khắp các khu vực. Các công ty can dự tích cực trong lĩnh vực thương mại và tài chính quốc tế sẽ ưa thích các đồng tiền mạnh và rủi ro thấp hơn.
Việc hoán đổi tiền tệ, đặc biệt là những loại tiền tệ chưa được kiểm chứng trong thời gian biến động có thể tạo ra sự không chắc chắn và đòi hỏi các biện pháp quản lý rủi ro tốn kém khác.
Trước khi sử dụng đồng nhân dân tệ, các nhà đầu tư cũng sẽ yêu cầu tăng cường tính minh bạch trong việc báo cáo dữ liệu kinh tế chính thức để giúp họ đánh giá triển vọng của đồng tiền này.
Để đồng nhân dân tệ đạt được sức hút ở cấp độ bán lẻ, những người sử dụng cần phải có ví kỹ thuật số cho phép họ chuyển đổi dễ dàng sang các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, triển vọng đó không phải ngày một ngày hai.
Trong trung và dài hạn, khi DCEP đã đạt được thành tích và được công chúng tin tưởng, đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ trở thành đồng tiền thanh toán chính trong thương mại quốc tế. Tốc độ áp dụng sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự chấp nhận của thị trường và được thúc đẩy bởi sự mở rộng nhanh chóng của các khoản thanh toán nước ngoài bằng đồng nhân dân tệ.
Trong thời gian trước mắt, đồng USD và ở mức độ thấp hơn là đồng euro sẽ vẫn chiếm ưu thế trong các giao dịch quốc tế. Sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số có thể báo trước những thay đổi đáng kể trong cấu trúc thanh toán quốc tế, bao gồm khả năng mở rộng nhanh chóng nguồn cung cấp CBDC. Cuối cùng, rủi ro liên quan đến việc nắm giữ đồng nhân dân tệ thay vì USD sẽ định hình các quyết định.
Lịch sử cung cấp các bài học về hoán đổi tiền tệ. Doanh nghiệp sẽ không làm mất ổn định mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp và chủ nợ. Bất chấp sự tăng trưởng ấn tượng của Nhật Bản và Đức trong thời kỳ sau Chiến tranh, việc sử dụng đồng mark Đức và đồng yen Nhật về cơ bản không gia tăng đáng kể.
Những thay đổi trong việc sử dụng tiền tệ diễn ra rất chậm. Sự thay đổi đáng kể nhất trong thế kỷ qua là từ đồng bảng Anh sang đồng USD. Những người chơi trên thị trường cần phải tin tưởng tối đa vào một loại tiền tệ nào đó và mất niềm tin vào loại tiền tệ hiện có trước khi họ thực hiện chuyển đổi sang đồng tiền đó./.