Theo lịch trình, đồng tiền chung Eco của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) sẽ ra mắt vào năm 2020, nhưng thời hạn này sau đó đã bị hoãn lại đến năm 2027. Một số thông số hiện tại cho thấy nguy cơ làm chệch hướng lộ trình triển khai đồng Eco theo thời hạn mới này.
Kế hoạch lưu hành đồng tiền chung Eco vào năm 2027 được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 59 của ECOWAS, diễn ra vào ngày 19/6 tại thủ đô Accra (Ghana). Thoạt nhìn, khung thời gian này dường như đủ để các quốc gia chuẩn bị cho sự ra đời của đồng Eco trong khoảng 5 năm rưỡi tới.
Theo lộ trình được thông qua, việc thiết lập một loại tiền tệ chung cho 15 quốc gia ECOWAS được thực hiện trong 2 giai đoạn. Đầu tiên là hiện thực hóa sự ra mắt đồng tiền chung cho 6 quốc gia trong khu vực, hiện mỗi quốc gia có đơn vị tiền tệ riêng của họ. Nói cách khác, 6 quốc gia thuộc Khu vực tiền tệ Tây Phi (WAMZ) - gồm Gambia, Ghana, Guinea, Nigeria và Sierra Leone, Liberia - sẽ tiến hành mắt đồng tiền chung ECO trước.
Và trong giai đoạn thứ hai, 8 quốc gia ECOWAS khác (gồm Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Guinea-Bissau, Mali, Niger, Senegal, Togo), thành viên của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và có điểm chung là sử dụng đồng franc CFA, sẽ tiếp tục triển khai đồng tiền Eco mới. Cape Verde có thể tham gia triển khai đồng tiền chung này bất cứ lúc nào trong quá trình này.
Khu vực UEMOA dường như đã sẵn sàng cho sự ra đời của đồng Eco vì họ đang sử dụng đồng tiền chung (là đồng franc CFA). Tuy nhiên, các quốc gia WAMZ cần nhiều thời gian hơn để từ bỏ đồng nội tệ của họ để chuyển sang đồng nội tệ khu vực. Ngoài khía cạnh kỹ thuật, các nước trong khu vực cũng sẽ cần giải quyết các khía cạnh pháp lý và sự ảnh hưởng của đồng tiền mới đối với mỗi quốc gia.
Vấn đề tiêu chí chung là một trở ngại có thể không vượt qua được đối với một số quốc gia. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các quốc gia đã quyết định tạm dừng việc thực hiện hiệp ước hội tụ giai đoạn 2020-2021.
[Các nước Tây Phi xây dựng lộ trình phát hành đồng tiền chung]
Jean-Claude Kassi Brou, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, giải thích vào ngày 19/6 vừa qua rằng, hiện tại có một lộ trình mới và một hiệp ước hội tụ mới, bao gồm lộ trình giai đoạn 2022-2026, và đến năm 2027 sẽ ra mắt đồng Eco. Các tiêu chí hội tụ chính là thâm hụt ngân sách được giới hạn ở mức 3% GDP, lạm phát ở mức tối đa 10% và nợ công dưới 70% GDP.
Ngoài thâm hụt ngân sách ngày càng tăng do đại dịch, có thể nói các nước UEMOA đang tôn trọng hiệp ước đang có hiệu lực hiện nay. Tuy nhiên, ở các quốc gia WAMZ khác, những điều này khó có thể được đáp ứng, đặc biệt là lạm phát và thâm hụt ngân sách.
Nigeria có tỷ lệ lạm phát hai con số, cao hơn nhiều so với mức dưới 2% của các nước UEMOA. Và theo dự báo, tỷ lệ lạm phát ở Nigeria dự kiến sẽ ổn định ở mức 15,97% vào năm 2021, và sẽ giảm dần xuống 10,49% vào năm 2026.
Theo các tiêu chí do ECOWAS đề ra, mỗi quốc gia phải duy trì trong ít nhất 3 năm hiệp ước hội tụ trước khi dự án đồng tiền chung có thể ra đời. Nói cách khác, tất cả các quốc gia trong khu vực phải đáp ứng tất cả các tiêu chí hội tụ từ cuối năm 2023, chậm nhất là đến cuối năm 2026. Do đó, các quốc gia có hai năm rưỡi để tuân thủ đầy đủ tất cả các tiêu chí này.
Ngoài việc đáp ứng tiêu chí lạm phát, vốn có thể gây ra một vấn đề nghiêm trọng ở Nigeria, ngưỡng thâm hụt ngân sách 3% cũng có thể là một hạn chế, đặc biệt nếu tình hình kinh tế hiện tại không được cải thiện. Trong 5 năm qua, ngưỡng thâm hụt ngân sách của Nigeria đã tăng từ 3,79% GDP vào năm 2018 lên mức 4,79% GDP vào năm 2019. Thâm hụt ngân sách của Nigeria càng nới rộng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với tài chính công của nước này.
Ghana, quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao thứ hai trong khu vực, có thâm hụt ngân sách dự kiến là 5% GDP vào năm 2024. Ngoài ra, quốc gia này đang mắc nợ nặng nề, tỷ lệ nợ tương đương 77,5% GDP vào năm 2020, so với 62,4% GDP vào năm 2019. Tình hình có thể tồi tệ hơn nữa trong năm 2021, và có thể ngăn cản Ghana, cường quốc kinh tế thứ hai của ECOWAS, hoàn thành một số tiêu chí hội tụ khác vào cuối năm 2023.
Rõ ràng, rủi ro lớn đối với đồng Eco là một số quốc gia trong WAMZ không thể đáp ứng các tiêu chí hội tụ kinh tế vĩ mô cần thiết để trở thành một phần của khu vực tiền tệ mới. Tuy nhiên, do Nigeria và Ghana chiếm 80% GDP của ECOWAS, nên việc tung ra một loại tiền tệ chung khu vực mà không có hai quốc gia này là điều không tưởng.
Ngoài ra, trở ngại chính đối với đồng tiền chung là việc một số quốc gia không thực sự ủng hộ sự ra đời của Eco. Và thật không may, trong số những quốc gia đó lại có "người khổng lồ" của khu vực, đó là Nigeria. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Phi, Nigeria là cường quốc kinh tế hàng đầu của châu Phi, chiếm hơn 70% GDP của khu vực và khoảng 54% dân số.
Nước xuất khẩu dầu lớn duy nhất trong khu vực này cho đến nay vẫn chưa quyết định đóng vai trò là đầu tàu của tiến trình hội nhập khu vực. Ngược lại, Nigeria thậm chí còn có xu hướng phản đối quá trình thực hiện đồng tiền chung này.
Cuối cùng, đối với một số nước, lộ trình đã được thông qua có vẻ hơi "chặt chẽ" do thiếu tầm nhìn liên quan đến thực tế là đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trong khu vực. Và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) đang lây lan tại nhiều nơi, qua đó làm chậm quá trình mở cửa các nền kinh tế thế giới.
Tất cả những yếu tố này cho thấy sự ra đời của đồng Eco vào năm 2027 là không thể. Và sẽ cần thêm thiện chí từ phía một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Nigeria./.