Đồng Tháp: Xây dựng chiến lược xuất khẩu và tiêu thụ cho cá tra

Các doanh nghiệp sản xuất cá tra của tỉnh Đồng Tháp mong muốn ngành chức năng hỗ trợ tiếp cận nhanh và thuận lợi các cơ chế, chính sách ưu đãi, tăng xúc tiến thương mại, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đồng Tháp: Xây dựng chiến lược xuất khẩu và tiêu thụ cho cá tra ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trước tình hình xuất khẩu giảm, người nuôi lỗ, tỉnh Đồng Tháp hướng đến chiến lược truyền thông xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cho ngành hàng cá tra.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết xuất khẩu cá tra là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm khoảng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu. Đồng Tháp hiện có 27 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Tính vào thời điểm trước dịch COVID 19, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của tỉnh đã xuất khẩu sang 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, gồm những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Thế nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tiêu thụ cá tra tại hầu hết các thị trường trên thế giới đều sụt giảm, tác động không nhỏ đến ngành chế biến thủy sản cá tra.

Cùng đó, thị trường xuất khẩu cá tra của tỉnh bị thu hẹp, chỉ còn khoảng hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng sang hầu hết các thị trường đều bị sụt giảm.

[Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023 giảm 15%]

Đơn cử như đối với thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2022); thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 25,4% (giảm 44%); thị trường EU chiếm tỷ trọng 11% (giảm 14%).

Đầu tháng 8/2023, giá thành sản xuất cá tra thịt trắng trung bình 26.847 đồng/kg, giá bán bình quân 26.300 đồng, người nuôi cá tra lỗ trên 254 triệu đồng/ha/vụ; xuất khẩu cá tra giảm hơn 27%/.

Hiện tại, Đồng Tháp có 27 doanh nghiệp với 28 dự án chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm, thu hút trên 20.000 lao động; đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất an toàn trong nước và quốc tế (BRC, ISO, HACCP, …).

Bên cạnh đó, có 13 doanh nghiệp chế biến phụ phẩm từ cá tra, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như collagen, dầu cá, bột cá, mỡ cá,…với công suất thiết kế khoảng 350.000 tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 80.000 tấn bột cá, mỡ cá; khoảng 1.800 tấn collagen và 17.700 tấn dầu cá.

Theo các doanh nghiệp, khó khăn hiện nay của ngành hàng cá tra là thị trường xuất khẩu sụt giảm, giá bán thấp, sản phẩm lưu kho nhiều; chuỗi ngành hàng còn lỏng. Trong khi đó, giá thành nuôi cá tra tăng, nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất để giữ chân công nhân có tay nghề, chi phí lưu kho tăng cao, thiếu vốn.

Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra trong tỉnh mong muốn ngành chức năng hỗ trợ tiếp cận nhanh và thuận lợi các cơ chế, chính sách ưu đãi; củng cố chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; trong đó, có quy hoạch vùng nuôi, kiểm soát và nâng cao chất lượng con giống; tăng cường xúc tiến thương mại, có chiến lược truyền thông cho ngành hàng, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cũng mong muốn nhận được thông tin thị trường để điều tiết sản xuất. Để giảm chi phí đầu vào, nhất là thức ăn thủy sản, doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thức ăn, tăng diện tích trồng ngô, đậu nành trong nước.

Để giúp ngành hàng cá tra vượt qua được giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra đề xuất tỉnh và các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng, quảng bá xúc tiến cho sản phẩm cá tra ở thị trường mới, giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng là nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra.

Chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp, đại diện các ngành chuyên môn Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu sẽ có dấu hiệu lạc quan trở lại.

Tuy nhiên, các ngành cũng đề nghị doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp có giải pháp chủ động tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, nghiên cứu chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với từng thị trường để xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam. Đây là hướng đi tất yếu nhằm nâng tầm vị thế cho cá tra Việt Nam và giải pháp để ngành hàng này phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục