Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, tính từ ngày 1-6/10, tỉnh đã tiếp nhận hơn 26.000 người dân tự phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… trở về địa phương.
Mặc dù lượng người hồi hương rất lớn nhưng Đồng Tháp đã nỗ lực tiếp nhận, hỗ trợ người dân; đồng thời thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và đưa đi cách ly tập trung theo quy định.
Qua xét nghiệm sàng lọc RT-PCR, tỉnh đã phát hiện 176 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trước tình hình trên, tối 6/10, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong số hơn 26.000 người dân trở về địa phương, gần 7.200 người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 (29%), hơn 11.600 người đã tiêm 1 mũi (46%), gần 4.300 đã tiêm hai mũi (17%); có 2.020 F0 sau điều trị (chiếm 8%).
[Về quê sau giãn cách: Chính quyền nỗ lực, người dân đồng thuận]
Về phân loại nghề nghiệp, gần 6.600 lao động tự do (26%); gần 16.200 công nhân (65%). Hiện, 23.236 người đang thực hiện cách ly y tế tập trung.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn đón gần 92.400 người dân các địa phương khác di chuyển ngang địa bàn để trở về quê.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh, người dân Đồng Tháp tự phát di chuyển về quê với số lượng lớn và đột ngột, tuy nhiên, lực lượng chức năng của tỉnh và các tổ chức đoàn thể đã kịp thời phối hợp, phản ứng nhanh để tổ chức tiếp nhận người dân về các địa phương và tổ chức cách ly y tế theo quy định; không để xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh kịp thời huy động các nguồn lực để bố trí đầy đủ các điều kiện ăn, nghỉ cho người dân tại các cơ sở cách ly. Phần lớn người dân chấp hành tốt nên công tác điều phối, tổ chức đón và cách ly y tế được diễn ra trong trật tự.
Đồng thời, chính quyền các cấp nhận được sự ủng hộ, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội (về thực phẩm, phương tiện, vật chất,…) trong công tác đón người dân về địa phương.
Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tự phát di chuyển về Đồng Tháp tăng đột biến nên các điều kiện tiếp nhận, tổ chức xét nghiệm sàng lọc và công tác cách ly gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác xét nghiệm và điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch tại các khu cách ly y tế tập trung.
Thêm vào đó, hầu hết người dân có hoàn cảnh khó khăn, do vậy, tỉnh đang xem xét hỗ trợ chi phí xét nghiệm và chi phí cách ly y tế tập trung.
Hiện nay, tình hình người dân tự phát di chuyển về quê đã giảm. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, số lượng người tiếp tục di chuyển tự phát về Đồng Tháp với số lượng lớn (khoảng 20.000 người).
Trong khi đó, tỉnh đã huy động và sử dụng tối đa các cơ sở vật chất (trường học, trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, ký túc xá,…) để thực hiện cho công tác cách ly y tế tập trung. Khả năng tiếp nhận để cách ly người dân từ vùng dịch về là rất hạn chế.
Đồng thời, dự báo công tác an sinh, xã hội và nhu cầu việc làm sau dịch là rất lớn, số lượng người dân thất nghiệp tại tỉnh và số người dân trở về quê sinh sống dẫn đến nhiều áp lực cho địa phương.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩ đề nghị các địa phương, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tiếp tục huy động mọi nguồn lực và cơ sở vật chất để tiếp nhận người dân an toàn, chu đáo.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong thời gian cách ly tại nhà, qua đó phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa tình.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu sắp xếp bố trí lượng người phù hợp trong các khu cách ly, thực hiện phân tán và chú ý giãn cách, hạn chế tập trung quá đông để giảm nguy cơ lây chéo.
Mặt khác, các địa phương tăng cường quản lý chặt, quan tâm sức khỏe người dân sau khi trở về nhà, qua đó kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thông tin thêm qua khảo sát nguyện vọng của người dân trở về lần này, trên 8.700 người (chiếm 34,7%) sẽ ở lại địa phương tìm việc. Do đó, ngành chức năng cần quan tâm tiếp cận để đào tạo nghề; đồng thời, rà soát, nắm lại nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tái sản xuất, khuyến khích sử dụng lao động tại chỗ vừa trở về, để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân.
Tính đến 17 giờ ngày 6/10, Đồng Tháp ghi nhận 8.493 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 7.907 bệnh nhân đã được xuất viện, 216 trường hợp tử vong và hiện có 364 ca đang điều trị.
Đến nay, tỉnh đã tiêm được 524.974 liều vaccine phòng COVID-19 (tiêm mũi 1 là 428.731 liều, đạt 36,29%; tiêm mũi 2 là 96.243 liều, đạt 8,15%).
Tỉnh Đồng Tháp hiện còn 22 khu vực phong tỏa. Đánh giá và dự báo mức độ nguy cơ dịch COVID-19 cấp xã, toàn tỉnh hiện có hai xã ở mức “nguy cơ rất cao,” 5 xã “nguy cơ cao," 12 “nguy cơ” và 124 xã “bình thường mới”./.