Tính đến ngày 13/1 là đã 14 ngày bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống cọc bêtông sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực làm việc suốt ngày đêm để nhổ cọc bêtông lên mặt đất, đưa thi thể bé Hạo Nam ra ngoài.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp (đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cung cấp thông tin vụ việc), đến sáng 13/1, lực lượng chức năng đã hạ hoàn chỉnh tầng khung chống thứ 5 và đào sâu hơn tầng 5 khoảng 1,5m; tiếp tục đào đất bằng gầu cạp kết hợp gầu ngoạm đối với vị trí không bị vướng 3 đầu cọc bêtông bên ngoài ống vách, sử dụng 2 vòi xói cắt phá đất tại các khu vực chật hẹp mà gầu cạp, gầu ngoạm không thao tác được.
[Thông tin mới nhất về việc giải cứu bé Hạo Nam khỏi cọc bêtông]
Trước đó, Ban Chỉ đạo công tác cứu hộ tại công trình cầu Rọc Sen thống nhất thực hiện phương án cứu hộ do đơn vị thi công của Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, gồm nhiều bước. Theo đó, lực lượng chức năng đang khẩn trương thực hiện bước đóng cọc ván thép, lắp đặt khung tầng.
Sau đó, đóng ống vách, tiếp tục khoan lấy đất bên ngoài xung quanh cọc cho đến mối nối… Lực lượng cứu hộ thực hiện từng bước khẩn trương, thận trọng, xuyên suốt để đạt kết quả cuối cùng.
Lực lượng chức năng đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị phục vụ công tác cứu hộ. Nhân lực cứu hộ được đảm bảo bố trí làm 4 ca thay phiên nhau, mỗi ca 6 giờ để đảm bảo sức khỏe và an toàn. Ngoài máy móc, thiết bị đã có trước đó, gần đây, Tổ Điều hành cứu nạn, cứu hộ còn bổ sung thêm gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6-1m, ống vách đường kính 1m, 2m và máy móc phụ trợ khác. Thiết bị búa rung 180kW cũng được vận chuyển từ cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) đến hiện trường phục vụ công tác cứu hộ.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, quá trình nhổ cọc bêtông để đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất gặp một số khó khăn. Khó khăn nhất hiện nay là địa chất công trình tầng lớp dưới, đất sét cứng nên việc đào đất không thuận lợi, cọc bêtông (gồm 3 đoạn nối lại với nhau) đóng sâu xuống lòng đất 35m, việc cắt cọc trong điều kiện khó khăn, chật hẹp. Do vậy, phải thay đổi nhiều phương án trong việc nhổ cọc bêtông lên.
Mặt khác, hiện trường nằm sâu trong đồng ruộng, hạ tầng giao thông nhỏ, hẹp nên việc di chuyển các phương tiện, thiết bị, máy móc cứu nạn gặp nhiều trở ngại. Những ngày gần đây, ở Đồng Tháp cũng như huyện Thanh Bình có mưa lớn, gây bất lợi cho công tác cứu hộ. Tổ Điều hành cứu nạn, cứu hộ đã triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn về điện trong quá trình thi công cho người và thiết bị tại hiện trường.
Đến nay đã 14 ngày triển khai công tác cứu hộ với nhiều thiết bị, máy móc và hàng trăm người thay phiên tham gia cứu hộ. Lực lượng chức năng vẫn làm việc ngày đêm với sự tư vấn của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dù đã nỗ lực nhưng Tổ Điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen chưa xác định được thời gian có thể đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất.
Tại hiện trường có nhiều máy móc, thiết bị hạng nặng, cần cẩu di chuyển liên tục. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình cứu hộ, nhiều ngày qua, lực lượng chức năng đã ập chốt chặn trên các tuyến đường dẫn vào hiện trường và canh gác nghiêm ngặt, chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ được phép vào.
Trước đó, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31/12/2022, có một nhóm trẻ em vào công trường cầu Rọc Sen và bị bảo vệ phát hiện, yêu cầu ra khỏi công trường. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, công trường đang nghỉ trưa, nhóm trẻ trên lại lén vào công trường và cháu Hạo Nam đã bị lọt vào trong lòng cọc bêtông có đường kính 25cm.
Sau nhiều ngày cố gắng cứu hộ, đến tối 4/1/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu xác định bé Hạo Nam đã tử vong. Sau đó, ngành chức năng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để đưa thi thể cháu bé lên mặt đất nhưng chưa thành công./.