Đồng Tháp: Nguồn cung cá đồng khan hiếm, giá bán tăng tới 40%

Giá cá lóc đồng bán tại chợ thành phố Cao Lãnh với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg; cá trê vàng 120.000 đồng/kg, cá rô đồng hơn 150.000 đồng/kg, cá linh non 200.000 đồng/kg.
Đánh bắt cá linh. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Hằng năm vào rằm tháng Bảy âm lịch, khi làm xong vụ lúa Hè Thu là bà con các huyện đầu nguồn lũ tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị câu, lưới đón con nước về để đánh bắt cá đồng.

Tuy nhiên, hiện đã đến tháng 8/2019 nước thượng nguồn chưa đổ về làm cho nguồn cá đồng khan hiếm khiến giá tăng cao. Bình quân giá cá đồng hiện nay tăng từ 20-40% so cùng kỳ năm 2018.

Nguồn cá đồng ở Đồng Tháp đánh bắt vào mùa lũ là các loại cá lóc, rô, trê, cá sặc, cá linh. Đặc sản cá đồng theo nguồn nước về sớm nhất là cá linh non, nhưng hiện nay cá linh non một món ăn đặc sản vào mùa lũ hiện nay rất khan hiếm.

Giá cá lóc đồng bán tại chợ thành phố Cao Lãnh với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg; cá trê vàng 120.000 đồng/kg, cá rô đồng hơn 150.000 đồng/kg, cá linh non 200.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Bạch Phượng, một chủ quán ăn ở huyện Tháp Mười, cho biết hằng năm vào tháng Tám đã có cá linh non bày bán tại chợ huyện Tháp Mười, nhưng hiện nay chị ra chợ mua cá linh non mà tìm kiếm khắp chợ không có.

Còn ở chợ thành phố Cao Lãnh có một sạp bán cá linh non nhưng với giá rất cao hơn 200.000 đồng/kg và sạp bán cá linh non này chỉ có chừng 5-10kg.

Đến tận vùng đầu nguồn ở huyện Tân Hồng và Hồng Ngự có bày bán cua đồng nơi nhiều nhất nhưng hiện nay rất khan hiếm, càng cua đồng được bán với giá 150.000-170.000 đồng/kg.

[Nông dân Trà Vinh phấn khởi vì giá cua biển liên tục tăng cao]

Mùa nước nổi không phải là một hiện tượng thiên nhiên cực đoan mà chính là nguồn sống giúp người dân nơi đây có thu nhập từ cá đồng.

Trung bình mỗi ngày gia đình ông Võ Văn Sậy xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cũng kiếm được vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng từ nghề câu lưới, hiện giờ đành phải ngóng chờ con nước thượng nguồn đổ về để đánh bắt cá đồng.

Còn ở xã Thường Phước, mực nước thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 1,5m cũng đang khiến trên 300 hộ dân sống bằng nghề câu lưới trong mùa nước nổi, thấp thỏm lo âu.

Ông Trần Phước Lộc, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự, cho biết nhằm giúp người dân tăng thu nhập trong mùa nước, phát triển sinh kế bền vững trong mùa nước nổi năm 2019, địa phương dự kiến triển khai một số mô hình sinh kế như nuôi giữ cá tự nhiên, cá đồng, nuôi tôm càng xanh... nhưng do lũ về muộn nên các mô hình này gần như không thể triển khai.

Cá đồng khan hiếm, giá cao là do nước thượng nguồn chưa đổ về, sản lượng đánh bắt thủy sản hàng ngày của bà con rất ít. Bên cạnh đó, lượng cá đồng giảm còn do nhiều người đánh bắt tận diệt bằng điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục