Từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích nuôi cá tra trong tỉnh Đồng Tháp được gần 1.720ha, diện tích thu hoạch hơn 346ha, sản lượng hơn 143.000 tấn.
Giá cá tra nguyên liệu tháng 4/2024 bán với giá 27.400 đồng/kg, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 28.256 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ trên 202 triệu đồng/ha.
Theo nhiều người dân ở các địa phương nuôi cá tra trong tỉnh Đồng Tháp cho biết, một ao cá tra với diện tích mặt nước 1ha, nuôi trong 6 tháng tuổi, tiêu tốn 180 bao thức ăn công nghiệp/ngày, cho năng suất từ 180-280 tấn/ha.
Chỉ riêng cuối tháng 2/2024 người nuôi cá tra còn có lãi, vì giá cá tra nguyên liệu 28.000-29.000 đồng/kg, trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu trong tháng này khoảng 26.990 đồng/kg.
Trước hiện trạng người nuôi cá tra lỗ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp định hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất cá tra bền vững.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết người nuôi cá tra lỗ là do giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng, giá cá tra giống tăng do nhu cầu con giống thả nuôi nhiều, kéo theo giá thành sản xuất tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết để tránh lỗ, lãi thất thường cho người nuôi cá tra, tỉnh Đồng Tháp định hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất bền vững.
Tỉnh phấn đấu có 70% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 90% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 30% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt - GAP và 70-80% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Tỉnh xây dựng và nhân rộng mô hình kỹ thuật nuôi theo công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn nhằm hạn chế thay nước ao nuôi ra môi trường bên ngoài, giảm thiểu dịch bệnh, mô hình này được cho là phù hợp trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Để sản xuất cá tra nguyên liệu hiệu quả, trong tỉnh tự tổ chức nuôi theo mô hình khép kín, chiếm từ 70-80% diện tích nuôi cá tra trong tỉnh.
Đồng Tháp đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành Hồng Ngự và Cao Lãnh.
Các vùng sản xuất cá tra trong tỉnh Đồng Tháp đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích hơn 1.509ha; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế.
Người nuôi cá tra ở Đồng Tháp đối diện nhiều khó khăn dù giá bán tăng
Nhiều vùng nuôi cá tra theo chuỗi liên kết, và khép kín góp phần để có cá nguyên liệu chất lượng tốt, bán giá cao và đồng thời giúp cho các doanh nghiệp chế biến luôn có nguồn nguyên liệu ổn định để chế biến xuất khẩu tăng lợi nhuận từ con cá tra./.