Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 690.000 ha, trong đó Long An chiếm hơn một nửa diện tích.
Đây từng là vùng đất nhiễm phèn nặng, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là không thể cải tạo.
Gần 50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhờ những quyết sách đúng đắn, táo bạo của Trung ương và địa phương, vùng đất hoang hóa năm nào đã “thay da, đổi thịt.”
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài với chủ đề "Đồng Tháp Mười - nửa thế kỷ bứt phá" nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về hành trình khai phá, phát triển vùng Đồng Tháp Mười hôm nay.
Bài 1: Chiến khu của lòng dân
Đồng Tháp Mười thời kháng chiến là vùng đất sình lầy, hoang hóa với những vạt rừng tràm bát ngát, những cánh đồng bàng nối tiếp trong vùng kênh rạch chằng chịt.
Chính ở vùng đất đó, mầm sống, gốc rễ của cách mạng vẫn âm thầm bám sâu vào đất để vùng đất hoang trở thành chiến khu, cái nôi của cách mạng ở miền Nam.
Đồng Tháp Mười - “đồng cỏ lác”
Trong cuốn sách “Lịch sử Đồng Tháp Mười/Gửi người đang sống,” khi nhắc về Đồng Tháp Mười, tác giả Trần Thanh Phương viết: Mùa nước về sóng bạc chơi vơi/Cơn nắng hạ đồng khô cỏ cháy…
Từ thời thực dân Pháp xâm chiếm, vùng Đồng Tháp Mười được gọi là “đồng cỏ lác” bởi những đồng, bưng nối nhau và khó lòng “chinh phục” bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Theo Địa chí Long An, khoảng năm 1985, 73% diện tích đất của tỉnh là đất phèn; trong đó, đa số tập trung ở khu vực Đồng Tháp Mười - “cứ điểm kiên cố nhất” của đất phèn.
Các nhà thổ nhưỡng cho rằng, phèn Đồng Tháp Mười hình thành ổn định trong khoảng 1.000 năm do đây là vùng trũng, ngập nước, phèn từ các nơi dẫn về tích tụ và không được giải phóng. Ngoài ra, hằng năm, nước lũ tràn về gây ngập úng trong nhiều tháng liền, có khi đến 3-4 tháng.
Cũng vì vậy, từ trước giải phóng, Đồng Tháp Mười là vùng hoang hóa, khó phát triển sản xuất, trồng trọt. Việc “khai hóa” Đồng Tháp Mười trở thành “bài toán hóc búa” mà cả thực dân Pháp cũng chưa có lời giải, dù nhiều dự án táo bạo đã được vạch ra. Đồng Tháp Mười suốt 80 năm dưới thời Pháp thuộc không có sự phát triển nhảy vọt nào đáng kể.
"Địa chí Long An" có chép: “Đã có nhiều dự án khai thác vùng đất hoang hóa giàu tiềm năng này được đặt ra nhưng kết quả cuối cùng rất hạn chế, nếu không nói là có những kế hoạch đã thất bại. Ý đồ giãn dân lên khu vực phía Bắc, cho đến khi người Pháp cuốn gói ra đi, vẫn không thực hiện được.”
Mặc dù thực dân Pháp đã dùng phương tiện cơ giới để xây dựng một hệ thống kênh, mương phục vụ giao thông, thủy lợi, tuy nhiên hệ thống ấy vẫn không đồng bộ, chưa đủ sức phục vụ cho công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười trên quy mô lớn.
Đồng Tháp Mười trước ngày giải phóng vẫn là vùng đất sình lầy, chim trời, cá nước, mùa khô nứt nẻ, mùa mưa thì lũ nhấn chìm, dân cư thưa thớt.
Đồng Tháp Mười "thay da đổi thịt" sau gần 50 năm ngày miền Nam giải phóng
Gần 50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với những quyết sách đúng đắn và táo bạo của Trung ương lẫn địa phương, vùng đất hoang hóa năm nào giờ đã “thay da, đổi thịt.”
Những con người làm nên huyền thoại
Những tưởng, giữa cánh đồng hoang hóa, chua phèn, lại bị đạn bom của kẻ thù hủy diệt sẽ không mầm sống nào có thể hồi sinh. Nhưng không, những người dân yêu nước tại Long An vẫn bám đất, bám rừng, nuôi mầm cách mạng vươn lên và trở thành huyền thoại.
Cả nước từng biết đến mẹ Thứ có 11 người con hy sinh vì Tổ quốc, còn ở vùng Đồng Tháp Mười của Long An có mẹ Trần Thị Viết (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) với 7 người con ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng quê nhà. Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết nằm bên dòng Vàm Cỏ Tây hiền hòa, yên ả chảy.
Trong kháng chiến, mẹ Viết 8 lần tiễn con đi, rồi 7 lần phải “khóc thầm lặng lẽ.” Nén nỗi đau mất con, mẹ bám trụ lại quê nhà, cùng con dâu nuôi cháu nội. Từng đêm, bóng mẹ hắt hiu bên ánh đèn dầu leo lét, cặm cụi đan bàng kiếm kế sinh nhai. Nhìn vào độ tỏ mờ và vị trí đèn treo mà bộ đội ta biết bọn địch có đang ở trong nhà, trong xóm hay không.
Đối diện với bao lần bị uy hiếp, bắt bớ, tra khảo của quân thù, mẹ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Đến thăm nhà tưởng niệm, nhìn chiếc khăn mẹ từng dùng, ngắm tượng chân dung mẹ, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự hiền lương, chân chất và tấm lòng của người mẹ Đồng Tháp Mười.
Có những người mẹ anh hùng nên Đồng Tháp Mười cũng có những người con làm nên lịch sử. Nén đau thương khi cha bị địch sát hại ở quê nhà, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Minh (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) quyết định ở lại đơn vị, chỉ huy trận đánh vào đồn và toàn thắng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Minh tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Qua quá trình rèn luyện, ông trưởng thành, từ chiến sỹ trở thành Chính trị viên Đại đội Đặc công, rồi Chính trị viên Tiểu đoàn 504.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông cùng đồng đội chiến đấu 81 trận, trong đó có nhiều trận đi vào lịch sử như trận đánh tàu trên sông Vàm Cỏ Tây bẻ gãy chiến thuật hạm đội nổi trên sông ở địa bàn tỉnh Kiến Tường; trận đánh đồn Phụng Thớt trong chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng đồn Phụng Thớt 1; chống lấn chiếm vùng giải phóng năm 1974…
Sau ngày đất nước thống nhất, ông là Phó Chính trị viên, Chính trị viên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Hưng cho đến lúc nghỉ hưu.
Từng 9 lần bị thương trong chiến đấu với những mảnh đạn còn lại trong người, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục đi đầu trong phong trào khai vỡ đất hoang, ứng dụng giống cây trồng mới và là người tiên phong đem giống dưa hấu về huyện Vĩnh Hưng.
Chiến khu của lòng dân
Không phải ngẫu nhiên Đồng Tháp Mười lại là địa danh ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng nước ta. Vùng phèn chua, trũng, ngập, thiếu thốn trăm bề ấy có địa thế phù hợp, được chọn làm “chiến khu” với hàng loạt cơ quan quan trọng.
Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ (một trong 3 căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp) cũng đóng tại đây. Không có núi non hay rừng rậm để “che bộ đội, vây quân thù,” căn cứ Đồng Tháp Mười chỉ có thể dựa vào lòng dân.
Khi đế quốc Mỹ can dự vào cuộc chiến, chúng càn quét hòng “san bằng” lòng dân Đồng Tháp Mười bằng các biện pháp: tố cộng, diệt cộng, gom dân, oanh tạc...
Theo nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng, “Vào ban ngày, vùng Đồng Tháp Mười mênh mông không có bóng người, dù là chiếc xuồng câu nhỏ”. Vậy nhưng, cách mạng vẫn ươm mầm, lòng dân vẫn sắt son cho đến ngày chiến thắng. Các trận đánh Gò Gòn, khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi... là câu trả lời đanh thép của Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ.
Nhắc đến sự anh dũng của Đồng Tháp Mười trong kháng chiến không thể không nhắc về khu vực Long Khốt anh hùng. Đó là nơi lớp lớp cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và ghi dấu những chiến công oanh liệt.
Trận tấn công vào Chi khu Long Khốt lần thứ nhất năm 1972, ta tiêu diệt 411 tên địch, bắn rơi 2 máy bay, phá hủy 15 lô cốt, 1 kho đạn và nhiều vũ khí của địch. Trận tấn công vào Chi khu Long Khốt lần thứ hai năm 1974, ta làm chủ hoàn toàn Chi khu, diệt 150 tên địch, bắn rơi 3 máy bay, phá hủy toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch tại Long Khốt.
Bốn năm sau đó - năm 1978, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Long Khốt anh dũng chiến đấu 43 ngày đêm để bảo vệ biên giới Tây Nam, đẩy lùi 21 đợt tấn công, tổ chức đánh 28 trận và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quê nhà.
Đồn Biên phòng Long Khốt là đồn duy nhất trong tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hàng ngàn liệt sỹ đã ngã xuống ở vùng đất anh hùng Long Khốt vì độc lập, chủ quyền của dân tộc, quốc gia. Long Khốt giờ đây trở thành mảnh đất linh thiêng trong lòng của nhiều người bởi sự quả cảm và tinh thần yêu nước của cha anh.
Ngày im tiếng súng
Hằng năm, cứ đến ngày 19/5, hàng ngàn người dân, thân nhân liệt sỹ hi sinh tại khu vực Long Khốt xưa lại tụ hội về Di tích Lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt, dự Lễ kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác và tri ân các anh hùng, liệt sỹ.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Long Khốt là lực lượng chịu trách nhiệm chính trong lễ tiêu binh, dâng hương, hoa, thả hoa đăng và cả hậu cần.
Theo Chính trị viên đồn Long Khốt - Trung tá Đỗ Văn Long, không chỉ tham gia tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Long Khốt mỗi tuần đều đến quét dọn, chăm sóc khu di tích.
“Khu di tích và đồn tuy 2 mà một. Việc chăm sóc khu di tích là hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân cũng như giáo dục truyền thống cho các cán bộ, chiến sỹ tại đồn,” Trung tá Đỗ Văn Long khẳng định.
Đồn Biên phòng Long Khốt quản lý 20 cột mốc biên giới (12 cột mốc chính và 8 cột mốc phụ). Cán bộ, chiến sỹ không chỉ làm tốt công tác bảo vệ đường biên, cột mốc mà còn gần gũi với nhân dân và làm tốt công tác ngoại giao.
Các mô hình, hoạt động: Mỗi tuần một địa chỉ; Nâng bước em tới trường; tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí... được duy trì hiệu quả suốt nhiều năm liền, mang đến niềm vui cho người dân 2 bên biên giới.
Đồn Biên phòng Long Khốt còn là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô hình hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 3/2024./.
Bài 2: Đánh thức tiềm năng vùng bưng biền
Bài 3: Nông thôn mới nơi biên cương
Bài 4: Thích ứng để phát triển bền vững