Đồng Tháp liên kết tiêu thụ hơn 90 ngàn ha lúa cho nông dân

Phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, đến cuối vụ thu hoạch, công ty đến thu mua lúa theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 200-800 đồng/kg.
Thu hoạch lúa Hè Thu tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Đến cuối tháng 7/2024, vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm 2024, Đồng Tháp đưa diện tích sản xuất lúa liên kết hơn 90 ngàn ha, trong đó vụ lúa Đông Xuân liên kết hơn 52 ngàn ha, chiếm 27,6% tổng diện tích sản xuất; vụ Hè Thu liên kết hơn 42 ngàn ha đạt 22,57% diện tích xuống giống. Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp thông tin, đa số hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với 38 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Chơn Chính, Tập Đoàn Lộc Trời, Công ty Lộc Ngọc, Công ty giống cây trồng Miền Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn lúa gạo Việt Nam VinaRice, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty AFC, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Trách nhiệm hữu hạn nghiên cứu Nông nghiệp Miền Tây…

Phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham gia liên kết vào đầu vụ; đồng thời có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quản lý sâu bệnh hại trong suốt vụ mùa. Đến cuối vụ thu hoạch, công ty đến thu mua lúa theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 200-800 đồng/kg.

Ngoài ra, còn có các phương thức liên kết khác như đầu tư vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa; đầu tư giống, tạm ứng vốn và tiêu thụ lúa; không đầu tư, chỉ tiêu thụ lúa...

Ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lãnh cho biết, địa phương có hơn 27 ngàn ha lúa được liên kết tiêu thụ, hướng đến sự phát triển bền vững các ngành hàng thế mạnh của địa phương. Từ đó, đẩy mạnh tổ chức kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn để liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa.

Đối với những nơi chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác, địa phương phát huy vai trò của các hội quán, Tổ Nhân dân tự quản để làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp trong liên kết.

Với những hình thức liên kết phù hợp, nhiều bà con nông dân, qua đó bán lúa được giá cao, người dân an tâm sản xuất.

Trên tinh thần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ và gắn kết chặt chẽ với nhau.

Đồng thời, cùng với sự đồng hành, sâu sát của chính quyền địa phương sẽ góp phần đưa việc liên kết sản xuất tiêu thụ lúa đi vào chiều sâu...

Từ mô hình liên kết sản xuất lúa ở tỉnh Đồng Tháp, nông dân đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao.

Hiện Đồng Tháp từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân, bảo đảm chất lượng nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục