Đồng Tháp khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo

Dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo tại Đồng Tháp là dự án ngành lúa gạo theo mô hình số hóa kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình số hóa kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Ngày 19/12, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần chỉ số Nông nghiệp (viết tắt Agri Index) tổ chức lễ công bố khởi động dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo.

Tính đến nay, đây là dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình số hóa kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình số hóa kinh tế tuần hoàn góp phần giúp kết nối nhu cầu giữa người mua và người bán.

Dự án kết nối những thành phần trong vòng tròn tuần hoàn ngành lúa gạo (nông dân, thương lái, doanh nghiệp…) từ khâu canh tác, sản xuất, chế biến lúa gạo và phụ phẩm của lúa gạo đến khâu tiêu thụ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng muốn vòng tròn tuần hoàn của ngành hàng lúa gạo thành công phải có vòng tròn các mối quan hệ, thắt chặt những “mắt xích” của chuỗi ngành hàng lúa gạo trước sự biến động của thị trường.

Các “mắt xích” đó liên kết với nhau bởi “chữ tín,” sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho ngành hàng lúa gạo thông qua chuyển đổi số và thay đổi tư duy.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín; chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo được kỳ vọng sẽ giải được “bài toán” tìm đầu ra cho những sản phẩm nằm trong vòng tuần hoàn và các doanh nghiệp liên kết lại với nhau tạo thành các “mắt xích” trên mạng lưới giá trị kinh tế tuần hoàn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc, Giám đốc Dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo, cho biết sàn giao dịch này là hình thức kinh doanh thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong vòng kinh tế tuần hoàn ngành lúa gạo.

Dự án xây dựng sàn giao dịch tiến hành nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 6/2022 và khởi động quá trình vận hành thử nghiệm vào tháng 12/2022.

Dự kiến, sàn giao dịch sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3/2023 tại địa chỉ “sanphupham.vn” và app trên thiết bị di động với tên “AGRIINDEX” chạy trên 2 hệ điều hành Androi và IOS.

[Đề xuất xây trung tâm giao dịch nông sản công suất 3 triệu tấn mỗi năm]

Theo Công ty Agri Index, 100% các đơn vị tham gia dự án đều được chuyên viên của công ty hỗ trợ xây dựng hồ sơ năng lực và đảm bảo tính xác thực của nhu cầu mua, bán sản phẩm.

Khi sàn giao dịch chính thức hoạt động còn cung cấp các dịch vụ như: giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ổn định hàng hóa, thanh toán linh động thông qua các gói đảm bảo tài chính từ ngân hàng liên kết.

Đặc biệt, dự án tích hợp công nghệ xử lý dữ liệu lớn (bigdata) và trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người mua, người bán giao dịch hiệu quả hơn với các tính năng như phân tích số liệu và dự báo thị trường, đánh giá năng lực nhà cung cấp, gợi ý đơn hàng phù hợp, theo dõi tình hình vận chuyển đơn hàng và tối ưu chi phí vận chuyển với mạng lưới đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển được phân bố tại các vựa gạo lớn của miền Tây Nam Bộ.

Theo Công ty Agri Index, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, tính đến ngày 19/12/2022, dự án đã quy tụ được 125 đơn vị phía Nam và 8 đơn vị phía Bắc tham gia thử nghiệm các tính năng giao dịch trên sàn giao dịch với khối lượng chào bán thử nghiệm do các doanh nghiệp đề xuất là 20.000 tấn/tháng, tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 40% và khả năng xử lý 100 giao dịch thành công/ngày.

Thời gian tới, khi chính thức hoạt động, sàn giao dịch dự kiến sẽ là “cầu nối” cho 300 doanh nghiệp giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng và tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50%.

Tại buổi lễ, đại diện Công ty Agri Index và các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác tham gia dự án này; ký kết biên bản ghi nhớ giữa Agri Index và các đối tác chiến lược cung cấp dịch vụ logistic và tài chính trên sàn giao dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục