Đồng Tháp hướng tới hình thành vùng sản xuất gạo ngon đặc sản

Để sản xuất ra hạt gạo ngon, dễ tiêu thụ và xuất khẩu, vụ Đông Xuân 2021-2022, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Đồng Tháp hướng tới hình thành vùng sản xuất gạo ngon đặc sản ảnh 1Tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao. (Ảnh: TTXVN)

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích gieo trồng lúa 3 vụ trong năm trên 500.000ha, sản lượng hơn 3,3 triệu tấn/năm.

Gạo ngon Đồng Tháp đã có mặt trên thị trường thế giới và hiện nay Đồng Tháp hướng đến hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gạo ngon phục vụ trong nước và trên thế giới.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có nhiều loại gạo ngon như: gạo Ngọc đỏ hương dứa, Huyết rồng, Lứt đỏ, Nàng hoa 9, gạo thơm Lài sữa, gạo thơm Hương sen, gạo dinh dưỡng Tim sen, Ngọc sen hồng, gạo Thần nông xanh, ST24…

Đây đều là những sản phẩm có chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP.

Ông Nguyễn Văn Nguyện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết vừa qua tỉnh tổ chức hội thi gạo ngon để tạo điều kiện cho các nông dân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm lúa gạo Đồng Tháp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm những giống lúa mới có giá trị gia tăng cao để chế biến đa dạng từ sản phẩm lúa gạo.

Đồng thời, tỉnh cũng ghi nhận và tôn vinh những thành quả đóng góp của các đơn vị trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng, thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.

Tỉnh còn chọn ra những giống lúa cho cơm ngon nhất, qua những giống lúa đặc sản trong tỉnh để làm cầu nối liên kết giữa các nhà khoa học lai tạo giống, nhà sản xuất, kinh doanh giúp các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, hộ nông dân lựa chọn giống lúa cho năng suất chất lượng cao để nhân rộng góp phần thành công xây dựng thương hiệu gạo Đồng Tháp phát triển ổn định, bền vững trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, gạo Ngọc đỏ hương dứa của Hợp tác xã giống Định An, huyện Lấp Vò, là loại gạo ngon, chất lượng cao, sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học, 100% không sử dụng thuốc hóa học.

Gạo Nghĩa Nhân chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư, tiểu đường, tim mạch, chứa nhiều vitamin, omega. Gạo lứt đỏ của Đồng An có hàm lượng vitamin B, chất xơ, khoáng vượt trội…

[Đồng Tháp nâng cao chất lượng xoài, mở rộng thị trường xuất khẩu]

Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lương thực Hồng Tân (HongTanFood, thành phố Sa Đéc) đã phát triển giống lúa ST24 cho ra gạo ngon, chất lượng trên đất Đồng Tháp.

Theo bà Lưu Thị Yến Hằng, Giám đốc Chi nhánh HongTanFood, đặc điểm của hạt gạo ST24 là nhỏ, thon, dài từ 7,5 đến 8,5mm, không bạc bụng, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mặt gạo nhìn đẹp, rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, cơm nấu lên rất mềm và dẻo, có mùi thơm khá đặc trưng.

HongTanFood đã xây dựng riêng vùng nguyên liệu tại các huyện trong tỉnh như Châu Thành, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng, Lấp Vò. Chất lượng của gạo ST24 trên đất sen hồng đạt chứng nhận OCOP và được chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn của tỉnh Đồng Tháp năm 2021.

Đồng Tháp hướng tới hình thành vùng sản xuất gạo ngon đặc sản ảnh 2Đồng Tháp hướng tới sản xuất các giống gạo ngon phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Tại huyện Hồng Ngự có hộ ông Nguyễn Văn Minh ở xã Long Thuận sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 7.000m2, sử dụng giống lúa ST 25 chất lượng cao, năng suất  hơn 6,5 tấn/ha, sản xuất lúa hữu cơ được bao tiêu với giá 10 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết chi phí sản xuất lúa hữu cơ giảm từ 25-30% so với cách làm truyền thống. Sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận 1.000 m2 là hơn 5 triệu đồng, tăng gấp đôi so với sản xuất theo phương thức bón phân hóa học.

Để sản xuất ra hạt gạo ngon, dễ tiêu thụ và xuất khẩu nước ngoài, vụ Đông Xuân 2021-2022 tỉnh Đồng Tháp sử dụng giống lúa xác nhận, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Ở khu vực vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình-khá như giống lúa OM18, Đài Thơm 8, IR50404, OM5451, OM6976, OM4900... Giống bổ sung như OM576, VD20, OM7347, Jasmine 85, Nàng Hoa 9...

Ở vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu tỉnh ưu tiên sản xuất các giống lúa cao sản chất lượng cao như giống lúa OM18, OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, Đài Thơm, Jasmine 85…

Ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến mục tiêu phát hiện những giống lúa có chất lượng, sản xuất đảm bảo đúng quy trình an toàn, xây dựng thương hiệu gạo ngon Đồng Tháp.

Hiện nay, tỉnh khuyến khích liên kết giữa nhà nông lai tạo giống lúa với các nhà sản xuất, nhà kinh doanh, để cùng chung tay góp phần nâng cao chất lượng, đưa hạt gạo của tỉnh nhà vươn xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục