Một cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ nằm trên địa bàn xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, hoạt động từ năm 2023 đến nay gây mùi hôi thối nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Người dân ở xã Tân Thạnh và thị trấn Thanh Bình (cạnh cơ sở sản xuất này) đã nhiều lần phản ánh đến ngành chức năng, chính quyền địa phương về việc tình trạng ô nhiễm này.
Khổ sở sống chung với ô nhiễm
Cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ nói trên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ nông nghiệp Địa Long (gọi tắt là Công ty Địa Long). Cơ sở có tổng mức vốn đầu tư 3,6 tỷ đồng; công suất sản xuất 800 tấn sản phẩm/năm; tổng diện tích mặt đất sử dụng hơn 5.000m2, nằm ven Quốc lộ 30, giáp ranh giữa xã Tân Thạnh và thị trấn Thanh Bình. Tuy tiếp nhận rác thải từ hoạt động chế biến nông sản để sản xuất giá thể hữu cơ, nhưng cơ sở lại nằm ở giữa khu vực đông dân cư; phía sau là diện tích trồng lúa và cây ăn quả.
Ông Bùi Kim Dần ở thị trấn Thanh Bình cho biết cơ sở này hoạt động hơn 1 năm qua; tiếp nhận rác thải từ hoạt động chế biến nông sản như vỏ xoài, chuối, mít… để làm nguyên liệu sản xuất giá thể hữu cơ nên phát sinh mùi hôi thối nồng nặc. Nhà ông Dần cách cơ sở khoảng 50m, thường xuyên chịu đựng mùi hôi thối, rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường.
Gia đình ông Nguyễn Pháp Văn ở gần sát cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ. Ông Văn cho hay vợ chồng ông đều lớn tuổi, do ở quá gần cơ sở nên mùi hôi thối rất nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe; xuất hiện nhiều ruồi, muỗi. Cùng với đó, nguồn nước thải từ cơ sở tràn ra ngoài, nhất là vào mùa mưa, khiến ao nước dự trữ tưới cho khu vườn cây ăn quả (trồng nhãn, xoài) rộng 3.000m2 của ông bị ô nhiễm, trong khi khu vườn này là nguồn thu nhập chính của gia đình ông.
Ông Nguyễn Văn Thọ ở xã Tân Thạnh cho rằng bãi chứa nguyên liệu sản xuất giá thể hữu cơ như một bãi rác lộ thiên, không được che chắn, phát ra mùi hôi thối suốt trong thời gian dài. Vì vậy, quầy bán trái cây của ông ở gần đó ngày càng vắng khách, ảnh hưởng thu nhập gia đình. Ông mong muốn ngành chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc, trả lại bầu không khí trong lành.
Tương tự, từ ngày cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ hoạt động, gây ô nhiễm không khí, tình hình kinh doanh quán nước giải khát của ông Nông Văn Hiển cũng bị ảnh hưởng, giảm mạnh lượng khách. Ông Hiển còn đang lo lắng về nguồn nước tưới cho 2ha đất trồng mít của ông. Theo ông Hiển, nước thải ra từ cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ có màu đen, nếu không sớm giải quyết thì nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, không thể tưới cho vườn cây.
Sẽ xử phạt cơ sở
Theo người dân địa phương, từ tháng 3/2024, người dân đã gửi đơn phản ánh, khiếu nại nhiều nơi về việc cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình hình gây mùi hôi thối của cơ sở chưa được khắc phục. Quá bức xúc, ngày 19/9/2024, nhiều người dân đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Bình để tiếp tục phản ứng. Đoàn công tác của huyện đã đến kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu cơ sở tạm ngừng hoạt động vì chưa có Giấy phép môi trường nhưng sau đó, cơ sở tiếp tục hoạt động.
Ngày 5/11/2024, người dân đến cơ sở ngăn cản việc tiếp nhận nguyên liệu sản xuất giá thể hữu cơ và 2 bên xảy ra xô xát. Lúc này, lực lượng chức năng đến làm việc thì người dân mới vỡ lẽ là Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Bình đã cấp Giấy phép môi trường cho Công ty Địa Long được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của dự án cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ vào ngày 17/10/2024.
Lý giải về vấn đề trên, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Bình Nguyễn Văn Thế Nghi cho biết, tháng 3/2024, Công ty Địa Long đã nộp hồ sơ đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện cấp Giấy phép môi trường. Tuy nhiên, hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định nên huyện trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung.
Đến ngày 4/10/2024, công ty nộp hồ sơ (lần 2) đề nghị cấp Giấy phép môi trường. Trên cơ sở đó, ngành chức năng đi thẩm định thực tế, yêu cầu công ty hoàn chỉnh hồ sơ vì còn một số thiếu sót. Chủ dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu nên Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban Nhân dân huyện cấp Giấy phép môi trường vào ngày 17/10/2024. Ông Nguyễn Văn Thế Nghi khẳng định, việc cấp Giấy phép môi trường cho Công ty Địa Long là đảm bảo trình tự, thủ tục đúng theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 22/11, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Bình Nguyễn Văn Thế Nghi cho biết, ngày 5/11/2024, với sự tham gia của một số người dân đại diện, Đoàn liên ngành của huyện kiểm tra, khảo sát thực tế cơ sở.
Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Địa Long vì thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung của Giấy phép môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân huyện xem xét, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với Công ty Địa Long số tiền 35 triệu đồng (theo quy định Khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022).
Theo Tờ trình, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu công ty này phải có các biện pháp thực hiện đầy đủ nội dung Giấy phép môi trường đã được cấp như xây dựng khu vực ủ, đào trộn nguyên liệu kiên cố, kín đáo; lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý mùi kết hợp phun xịt chế phẩm khử mùi nhằm không làm phát sinh mùi hôi thối, mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Tờ trình cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu cơ sở phải tạm ngưng hoạt động (từ ngày 20/11) đến khi hoàn thành việc khắc phục. Thời gian hoàn việc khắc phục là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban Nhân dân huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, theo dõi trong quá trình và sau khi khắc phục./.
Đồng Tháp: Cơ sở chế biến cá vừa hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường
Một cơ sở chế biến cá ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) gây ô nhiễm môi trường, phát tán mùi hôi thối ra xung quanh khiến người dân địa phương bức xúc vì cuộc sống bị ảnh hưởng.