Đồng Tháp: Cầu Tân Nghĩa bị sập, xe tải và xe ba gác rơi xuống sông

Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 31/5, nhịp giữa của cầu Tân Nghĩa bắc qua kênh Tháp Mười 2 (còn gọi là kênh Nguyễn Văn Tiếp), nối liền 2 xã Phong Mỹ và Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đã bị sập.
Hiện trường cầu Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bị sập nhịp giữa. (Ảnh: Chương Đài/ TTXVN)
Hiện trường cầu Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bị sập nhịp giữa. (Ảnh: Chương Đài/ TTXVN)

Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 31/5, nhịp giữa của cầu Tân Nghĩa bắc qua kênh Tháp Mười 2 (còn gọi là kênh Nguyễn Văn Tiếp), nối liền 2 xã Phong Mỹ và Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đã bị sập. Nhịp sập làm bằng thép có chiều dài 21 mét, rộng 4 mét.

Hậu quả, một người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Vào thời điểm trên, xe ôtô tải biển số 78C-04627 có tải trọng hàng hóa khoảng 17,3 tấn, lưu thông theo hướng Tân Nghĩa đi Gáo Giồng.

Xe tải này do Hồ Thế Hữu sinh năm 1987, ngụ tại khu phố 5, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên làm chủ. Khi xe lưu thông qua cầu Tân Nghĩa có tải trọng cho phép là 8 tấn, bất ngờ cầu sập nhịp giữa.

Trên nhịp cầu bị sập có xe ba gác lưu thông cùng chiều phía trước, do anh Nguyễn Văn Tâm điều khiển (chưa rõ năm sinh, địa chỉ). Cùng đi với anh Tâm có anh Nguyễn Minh Luận, sinh năm 1987, ngụ tại Khóm 3, Phường 11, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tại hiện trường, cầu Tân Nghĩa bị sập đã làm xe tải và xe ba gác rơi xuống kênh. Ngoài ra, phần giữa nhịp cầu bị sập còn đè trực tiếp lên một chiếc tàu do anh Trần Thanh Trinh (sinh năm 1981) và vợ Trần Thị Cẩm Nhung (sinh năm 1988) ngụ tại huyện Hồng Ngự làm chủ, khiến phương tiện hư hỏng nặng.

Đến 16 giờ cùng ngày, huyện Cao Lãnh và ngành chức năng đang phối hợp xử lý khắc phục sự cố. Ông Trần Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết, công việc trước mắt là giải tỏa các chướng ngại vật để thông thoáng lưu thông đường thủy, hướng dẫn giao thông đường bộ và cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ bố trí đò để người dân lưu thông trên sông được thuận lợi.

Cầu Tân Nghĩa khởi công tháng 6/2005, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2007 với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Cầu được đầu tư theo hình thức BOT, thời gian thu phí từ năm 2007 đến năm 2019 (vừa chấm dứt thu phí vào tháng 2/2019). Cầu có tải trọng 8 tấn, với chiều dài 150 mét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục