Đồng Tháp cấp gần 10 tỷ đồng khắc phục bệnh muỗi hành

Trước tình hình muỗi hành gây hại trên lúa Đông Xuân 2013-2014, UBND Đồng Tháp quyết định cấp gần 10 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân có lúa hại.

Trước tình hình bệnh muỗi hành gây hại trên lúa Đông Xuân 2013-2014, gây thiệt hại cho nông dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định cấp gần 10 tỷ đồng hỗ trợ bổ sung cho năm huyện để hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân có diện tích lúa bị gây hại.

Theo đó, các huyện được hỗ trợ kinh phí gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tâm Nông, Thanh Bình và Tháp Mười. Mức hỗ trợ đối với diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% là 2,5 triệu đồng/ha; diện tích bị thiệt hại từ 30-70% được hỗ trợ 1,75 triệu đồng/ha.

Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với ủy ban Nhân dân các huyện trên có trách nhiệm điều tra, đánh giá mức độ thiệt hại diện tích lúa do muỗi hành gây hại, chi hỗ trợ kịp thời cho nông dân bị thiệt hại theo đúng quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, qua kiểm tra dịch bệnh muỗi hành gây hại trên lúa Đông Xuân ở các huyện, thị trong tỉnh, có trên 2.700ha bị muỗi hành gây hại. Sở đã tổ chức hội thảo tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý.

Theo nghiên cứu và khảo sát thực tế của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, nguyên nhân gây bộc phát bệnh muỗi hành trên lúa ở Đồng Tháp là do gieo sạ mùa vụ gối nhau liên tục nhất là từ vụ Thu Đông sang vụ Đông Xuân tạo điều kiện cho muỗi hành phát triển; khi muỗi hành xuất hiện lại phun thuốc liên tục kết hợp nhiều loại làm mất cân bằng hệ thiên địch càng làm cho muỗi hành phát triển nhanh và lây lan mạnh, thậm chí chưa có bệnh muỗi hành nông dân cũng dùng thuốc phòng ngừa.

Bên cạnh đó, do nhiệt độ xuống thấp lúc đầu vụ và bón phân không cân đối, thừa đạm, thiếu kali và lân trong đợt bón phân đầu tiên là điều kiện thích hợp cho muỗi hành phát triển.

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, để hạn chế dịch hại nông dân chỉ cần áp dụng biện pháp canh tác theo “3 giảm 3 tăng,” quản lý dịch hại theo IPM, tuyệt đối không phun ngừa khi chưa có muỗi hành xuất hiện.

Bên cạnh đó, gieo sạ đồng loạt, có cách ly hợp lý giữa hai vụ, vệ sinh tốt đồng ruộng cũng là biện pháp hạn chế muỗi hành hiệu quả./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục