Sau nhiều tháng diễn biến phức tạp, đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp dần được kiểm soát. Góp phần vào kết quả đó có vai trò “hậu phương” vững chắc của những hội viên phụ nữ.
Trên 90.000 suất cơm nghĩa tình
Từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn thành phố Sa Đéc, chị Lê Thị Thanh Hương, chủ Nhà hàng sinh thái Hương Quê (xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc) tích cực ủng hộ tiền, góp công nấu những bữa cơm nghĩa tình cho lực lượng tuyến đầu và người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly.
Ngày 24/6, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngành chức năng phong tỏa, cách ly y tế tạm thời đối với bệnh viện. Do “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” ngày 26/6, chị Hương tổ chức nấu 1.500 suất ăn tặng cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà chăm sóc bệnh nhân.
Chị dự định hỗ trợ các suất ăn trong 1 tuần nhưng dịch bệnh kéo dài chị đã duy trì việc thiện nguyện này cho tới nay.
Nhà hàng của chị Hương tạm ngừng kinh doanh hơn 3 tháng qua để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, bếp của nhà hàng vẫn “đỏ lửa” nấu những phần cơm từ thiện.
Để cung cấp miễn phí hàng nghìn phần ăn mỗi ngày, 7 đầu bếp và 15 tình nguyện viên tham gia cùng với chị Hương.
Chị phụ trách lên số lượng suất ăn mỗi ngày, lên thực đơn, tham gia nấu ăn và giao cơm. Chồng của chị Hương, anh Trần Minh Thành, đảm nhiệm việc đi chợ mua rau, củ, quả, thịt, cá… Mọi chi phí mua nguyên liệu nấu ăn đều do vợ chồng chị Hương chi trả.
Thực đơn được thay đổi hàng ngày và thức ăn phong phú. Đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhất là người từ các tỉnh, thành phố khác đến hỗ trợ Sa Đéc dập dịch, chị Hương làm những món giàu dinh dưỡng hay món đặc sản của Đồng Tháp.
Bác sỹ Mai Thắng, thành viên Đoàn y, bác sỹ Bệnh viện Lão khoa Trung ương đến hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp chống dịch COVID-19 chia sẻ: “Tôi và các thành viên trong đoàn được dùng những món ăn do chị Hương gửi tặng. Trong đó, nhiều món đặc sản Đồng Tháp mà lần đầu tôi thưởng thức. Chúng tôi ăn rất ngon miệng và cảm thấy ấm lòng khi công tác xa nhà.”
Hơn 3 tháng qua, nhà hàng của chị Lê Thị Thanh Hương tổ chức nấu hơn 90.000 suất ăn. Tổng chi phí cho hoạt động của bếp khoảng 1,8 tỷ đồng, trong đó gia đình chị Hương ủng hộ gần 1,1 tỷ đồng, phần còn lại do các nhà hảo tâm đóng góp.
[Đồng Tháp: Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phòng, chống dịch]
Bên cạnh đó, chị Hương còn tặng 3.000 phần quà; 2 tấn mực và rau, củ, quả cho nhiều người bị ảnh hưởng bởi dịch; ủng hộ tiền mua dung dịch sát khuẩn, tặng 10 thùng khẩu trang y tế, 10 thùng quần áo bảo hộ y tế, hơn 30 máy SpO2...
Bà Ngô Thúy Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Sa Đéc nhấn mạnh, việc làm và tấm lòng nhân ái của gia đình chị Hương rất đáng trân trọng, biểu dương.
Hơn 130 ngày làm “chị nuôi”
Hơn 11 giờ, chị Nguyễn Thị Loan (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) tất bật mang cơm đến Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên Quốc lộ N2 (giáp ranh với tỉnh Long An).
Chị Loan đã có hơn 130 ngày làm “chị nuôi,” tổ chức nấu và cung cấp trên 34.000 suất ăn cho lực lượng tuyến đầu và người đang cách ly tập trung… Chi phí nấu những phần ăn nghĩa tình này do các nhà hảo tâm ủng hộ, chính quyền địa phương hỗ trợ và gia đình chị Loan đóng góp hơn 500 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Loan nhớ lại, những ngày đầu chính quyền địa phương lập Chốt kiểm soát dịch COVID-19, bữa ăn của lực lượng trực chốt rất thiếu thốn. Là Tổ trưởng Tổ dịch vụ nấu ăn gia đình, chị xung phong làm “chị nuôi” từ tháng 5/2021 đến nay.
Đồng hành với chị Loan là 17 “cộng sự” giàu lòng nhân ái, trong đó có 3 người chuyên giao cơm và 14 thợ nấu, phụ bếp.
Chị Lê Thị Kim Loan tham gia trực tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên Quốc lộ N2 cho hay, chị và các thành viên của chốt được dùng những bữa cơm do chị Loan cung cấp suốt nhiều ngày nay. Thức ăn do chị Loan nấu rất ngon.
Không chỉ góp công tổ chức nấu 3 bữa/ngày, chị Loan còn bỏ tiền mua gạo, thịt, cá, rau, củ, quả… Tuy có lúc khó khăn nhưng chị Loan nhất quyết không ngừng việc cung cấp những phần ăn 0 đồng.
“Có một số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng nhưng lúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngân hàng nằm trong khu phong tỏa, tôi không thể rút tiền. Tôi đành mua thiếu thịt heo tới hơn 30 triệu đồng và mượn 40 triệu đồng để mua nguyên liệu nấu ăn. Hiện giờ, tôi đã trả hết các khoản nợ này,” chị Loan chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Trúc Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đốc Binh Kiều, chị Loan không quản ngại cực nhọc, không tính toán thiệt hơn, chỉ hướng tới mục tiêu sớm dập dịch.
Chị Lê Thị Thanh Hương và Nguyễn Thị Loan là hai trong số rất nhiều phụ nữ đất Sen hồng đã đồng lòng, nhiệt tình tham gia chống dịch COVID-19 suốt nhiều tháng qua.
Các chị luôn là “hậu phương” vững chắc, góp phần giúp lực lượng tuyến đầu no lòng, vững bụng và có nhiều sức khỏe để “chiến đấu” với đại dịch.
Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen cho hai chị về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19./.