Động thái đáp trả mới nhất của Trung Quốc nhằm vào Mỹ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua Luật chống trừng phạt của nước ngoài nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Động thái đáp trả mới nhất của Trung Quốc nhằm vào Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: THX)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua Luật chống trừng phạt của nước ngoài nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Đây được coi là "đòn ăn miếng trả miếng" mới nhất của Bắc Kinh nhằm vào Mỹ.

Thời báo Hoàn Cầu đã đăng bài viết với nhan đề "Luật chống trừng phạt của nước ngoài mới được thông qua của Trung Quốc nhằm mang lại hiệu quả răn đe chống sự bá quyền của phương Tây."

Dưới đây là nội dung bài viết:

Ngăn chặn "sự phán xử cánh tay nối dài"

Các nhà lập pháp hàng đầu ở Trung Quốc hôm 10/6 đã bỏ phiếu thông qua Luật chống trừng phạt của nước ngoài. Luật này được cho là cung cấp một cơ sở pháp lý toàn diện để ngăn chặn các lệnh trừng phạt bất hợp pháp của nước ngoài, đồng thời ngăn chặn tình trạng các cá nhân và thực thể Trung Quốc phải chịu thiệt hại do những lệnh trừng phạt bất hợp pháp như vậy gây ra.

Các chuyên gia pháp lý Trung Quốc cho biết luật mới cũng sẽ cung cấp đủ nền tảng pháp lý để tạo một vị thế bình đẳng với phương Tây bằng cách áp đặt các biện pháp đối phó cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC, Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) đã triệu tập phiên họp thứ 29 vào ngày 7/6 tại thủ đô Bắc Kinh, kết thúc vào ngày 10/6, và bản dự thảo Luật chống trừng phạt của nước ngoài đã được đưa ra xem xét lần thứ hai vào ngày 7/6. Theo các quy tắc và thủ tục của cơ quan lập pháp, dự thảo luật trong chương trình họp của Ủy ban Thường vụ NPC thường phải được xem xét 3 lần trước khi được đưa ra biểu quyết. Tuy nhiên, nếu có sự đồng thuận về tất cả các khía cạnh của dự thảo luật, dự thảo có thể chỉ cần được xem xét hai lần.

Bộ luật được kỳ vọng cao này, được coi là công cụ pháp lý hiệu quả và mạnh mẽ để ngăn chặn "sự phán xử cánh tay nối dài" của nước ngoài, bao gồm 16 điều, trong đó quy định các nguyên tắc về việc trừng phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật và các cơ quan chính quyền lớn trong việc thực thi luật. Các cơ quan có liên quan thuộc Chính phủ Trung Quốc có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xây dựng, quyết định và thực thi một danh sách trả đũa nhằm vào những cá nhân và thực thể. Họ đã viện dẫn các đạo luật trong nước của họ để thực hiện những biện pháp phân biệt đối xử chống lại các công dân và tổ chức của Trung Quốc.

Theo Luật chống trừng phạt của nước ngoài, các nhóm đối tượng mục tiêu của danh sách trả đũa có thể được mở rộng đến những người thân, vợ/chồng của họ, các tổ chức được lãnh đạo bởi những cá nhân bị nhằm mục tiêu này hoặc do họ điều hành, trong đó đặt ra một số biện pháp, bao gồm từ chối cấp thị thực hoặc từ chối cho nhập cảnh, trục xuất, "đóng băng" các tài sản và hạn chế những giao dịch và sự hợp tác có liên quan.

Cũng theo quy định của Luật chống trừng phạt của nước ngoài, nếu bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào tiếp tay cho nước ngoài thực hiện những biện pháp phân biệt đối xử, các công dân và tổ chức của Trung Quốc có thể khởi kiện lên tòa án nhân dân theo quy định của bộ luật này để ngăn chặn hành vi xâm phạm cũng như tìm kiếm sự bồi thường thiệt hại.

Trung Quốc đã thiết lập một cơ chế làm việc trong việc đáp trả các lệnh trừng phạt của nước ngoài, cơ chế này cũng điều phối các công việc liên quan, bao gồm cả việc chia sẻ thông tin. Và những cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoặc Quốc vụ viện hoặc các cơ quan khác có trách nhiệm công bố danh sách những biện pháp trả đũa. Những biện pháp này có thể bị đình chỉ hoặc được thay đổi nếu cần thiết.

[Trung Quốc khẳng định không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề trọng yếu] 

Giáo sư Hoắc Chính Hân thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 10/6: "Bộ Luật này nhằm mục tiêu chính xác và hiệu quả vào những người đã thực hiện các biện pháp trừng phạt đơn phương gây tổn hại đến những lợi ích của Trung Quốc và nhóm bị nhằm mục tiêu này có thể bị mở rộng sang những người thân hoặc các tổ chức của họ, điều sẽ có tác dụng răn đe mạnh mẽ."

Giáo sư Hoắc Chính Hân nhấn mạnh bên cạnh các biện pháp trả đũa chi tiết, luật này cho phép các nhà chức trách linh hoạt trong việc lựa chọn những biện pháp được sử dụng để đáp trả, đặc biệt là khi các biện pháp phù hợp với nhu cầu của họ.

Các chuyên gia pháp lý tin rằng Luật chống trừng phạt của nước ngoài, luật đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc, sẽ cung cấp sự hỗ trợ pháp lý mạnh mẽ và đảm bảo cho đất nước chống lại các biện pháp đơn phương và phân biệt đối xử do nước ngoài áp đặt, đồng thời cũng sẽ có tác dụng răn đe khi đối mặt với sự bá quyền của phương Tây và thể hiện quyết tâm tập thể của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Một số chuyên gia pháp lý tham gia quá trình tham vấn bộ luật này nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, so với các biện pháp trả đũa trước đây được ban hành bởi các cơ quan hành chính, luật này nhấn mạnh một cách toàn diện và có hệ thống hơn quan điểm của Chính phủ Trung Quốc về khía cạnh pháp lý khi họ đối đầu với Chính phủ. Luật chống trừng phạt của nước ngoài cũng sẽ cho phép Trung Quốc đạt được sự cân bằng giữa các biện pháp trả đũa và các cuộc thương lượng trong việc khắc phục những bất đồng.

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ

Chính phủ Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với số lượng ngày càng tăng đối với các thực thể của Trung Quốc như hai công ty công nghệ cao Huawei và ZTE với lý do lo ngại về nguy cơ an ninh quốc gia, đồng thời trừng phạt một số quan chức cấp cao của Trung Quốc.

Dưới con mắt của các chuyên gia pháp lý, những điều này đã trở thành các động thái thường xuyên của Chính phủ Mỹ trong việc thực hiện những biện pháp trừng phạt và thực hiện "sự phán xử cánh tay nối dài" chống Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Luật chống trừng phạt của nước ngoài đã trở thành một sự phản ứng kịp thời đối với những động thái đơn phương đó, điều có thể thúc đẩy thêm nhiều quốc gia làm theo.

Tiến bộ lập pháp mới nhất này cũng phù hợp với chương trình làm việc thường niên của cơ quan lập pháp tối cao, được công bố hồi tháng Ba, cho thấy rằng Trung Quốc sẽ tăng cường luật pháp trong các lĩnh vực liên quan đến nước ngoài.

Ông Lật Chiến Thư, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ NPC (Chủ tịch Quốc hội), tuyên bố sẽ tập trung vào các động thái chống lại những biện pháp trừng phạt và can thiệp cùng "sự phán xử cánh tay nối dài," cũng như làm phong phú thêm bộ công cụ pháp lý để đối phó với những thách thức liên quan đến nước ngoài và ngăn ngừa các nguy cơ.

Ông Điền Phi Long, một chuyên gia pháp lý tại Đại học Hàng không Bắc Kinh ở Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 10/6 rằng Luật chống trừng phạt của nước ngoài có thể có ảnh hưởng trong hai lĩnh vực - ngăn chặn các lệnh trừng phạt bất hợp pháp do các quốc gia khác áp đặt và thiệt hại do những biện pháp trừng phạt đó gây ra; đồng thời thực hiện các biện pháp trả đũa những lệnh trừng phạt này.

Để đối phó với những động thái đơn phương ngày càng tăng của Chính phủ Mỹ, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều biện pháp trả đũa tương ứng kể từ tháng 9/2020. Ví dụ, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đã công bố các điều khoản trong danh sách của Trung Quốc về những thực thể không đáng tin cậy, được một số người coi là một biện pháp của Bắc Kinh nhằm chống lại các động thái của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc. Cơ quan này cũng đã ban hành một lệnh mới vào ngày 9/1, theo đó thực hiện các biện pháp trả đũa cần thiết nhằm chống lại việc áp dụng luật pháp nước ngoài ở bên ngoài lãnh thổ một cách phi lý.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã công bố 11 đợt trả đũa đối với sự can thiệp của các nước phương Tây vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc, bằng cách trừng phạt một số tổ chức phi chính phủ, các chính trị gia chống Trung Quốc, một số nhà sản xuất vũ khí và nhiều thực thể.

Động thái đáp trả mới nhất của Trung Quốc nhằm vào Mỹ ảnh 2(Nguồn: Reuters)

Chuyên gia Điền Phi Long cho biết: "Các biện pháp trừng phạt trước đây rời rạc và không có đủ cơ sở pháp lý, đồng thời có thể gây ra sự phản hồi tiêu cực do thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ. Giờ đây, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo cho chúng ta vị thế tương tự phương Tây trong việc thực hiện các biện pháp trả đũa". Ông Điền Phi Long nhấn mạnh rằng điều đó cũng sẽ giúp tích hợp các nguồn lực và hình thức trước đây để làm cho các biện pháp trả đũa của Trung Quốc nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài có tính hệ thống, khoa học và mạnh mẽ hơn.

Thực tiễn phổ biến trên toàn cầu

Một thực tiễn cũng phố biến là một số nước phương Tây xây dựng các luật tương tự nhằm ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của nước ngoài hoặc phản đối sự can thiệp của nước ngoài. Ví dụ, quy chế ngăn chặn, được thông qua vào năm 1996, là một thành tựu quan trọng trong hành động thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các nhà điều hành EU, cho dù là các cá nhân hay các công ty, trước việc bị áp dụng các luật của nước thứ ba bên ngoài lãnh thổ - theo trang web của EU. Và một phiên bản cập nhật của quy chế ngăn chặn đã được thực hiện vào năm 2018 để giảm thiểu tác động của các đạo luật đó đối với những lợi ích của các công ty EU kinh doanh hợp pháp tại Iran.

Nga cũng đã thông qua một đạo luật vào tháng 6/2018 nhằm chống lại các hành vi không thân thiện của Mỹ và các nước khác nhằm bảo vệ những lợi ích, an ninh, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như quyền của công dân nước này, giúp họ tránh khỏi ảnh hưởng từ hành vi không thân thiện của Mỹ.

Khi được hỏi liệu Luật Chống trừng phạt nước ngoài có ảnh hưởng đến quan hệ của Trung Quốc với nước ngoài hay không, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường lệ hôm 10/6 rằng không cần phải lo lắng về điều đó. Ông nói: "Việc xây dựng Luật Chống trừng phạt của nước ngoài là điều cần thiết đối với Trung Quốc vì luật này cung cấp cho Trung Quốc một cơ sở pháp lý và sự hỗ trợ mạnh mẽ để chống lại các biện pháp phân biệt đối xử của nước ngoài."

Người phát ngôn Ủy ban Các vấn đề Lập pháp của Ủy ban Thường vụ NPC cũng cho biết "Luật Chống trừng phạt của nước ngoài" sẽ không có bất kỳ tác động nào đến sự mở cửa liên tục của Trung Quốc liên quan đến phát triển kinh tế, vì Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia Hoắc Chính Hân nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, mục đích chính trong "Luật chống trừng phạt của nước ngoài" của Trung Quốc là cho phép các cơ quan hành chính và các cơ quan tư pháp Trung Quốc thực hiện những biện pháp trừng phạt và nếu có nhu cầu nhiều hơn trong thực tế, các cơ quan hàng đầu như Quốc Vụ viện và Tòa án tối cao có thể ban hành các quy định hành chính chi tiết và những sự diễn giải pháp luật tương ứng.

Một số quan chức cấp cao, ví dụ như Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã ca ngợi luật này. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết luật này sẽ cho Mỹ và các nước khác nếm "vị thuốc của chính họ," bởi vì một số quan chức chính quyền trung ương Trung Quốc và Hong Kong đã bị Mỹ trừng phạt do luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong được thực hiện trong năm 2020.

Chuyên gia Điền Phi Long cho biết "trong quá khứ, Hong Kong đã thiếu các nguồn lực để chống lại những lệnh trừng phạt đó. Với việc thực hiện Luật Chống trừng phạt của nước ngoài, họ có những sự hỗ trợ pháp lý của cơ quan có thẩm quyền cao nhất."

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng việc có đưa luật này vào Phụ lục III của Luật Cơ bản (tiểu Hiến pháp của Hong Kong) hoặc cho phép Chính quyền Hong Kong sửa đổi hay làm việc về các luật địa phương liên quan việc chống trừng phạt, đều là những phần để xem xét./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục