Động thái của Triều Tiên khi phóng vũ khí dẫn đường chiến thuật mới

Triều Tiên từng cảnh báo các cuộc tập trận quân sự thường niên Mỹ-Hàn có thể ảnh hưởng đến việc nối lại kế hoạch đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Động thái của Triều Tiên khi phóng vũ khí dẫn đường chiến thuật mới ảnh 1Người dân theo dõi qua màn hình vô tuyến tại nhà ga đường sắt ở Seoul, Hàn Quốc hình ảnh tên lửa Triều Tiên được phóng thử nghiệm ngày 25/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng aljazeera.com/TTXVN nói rằng theo thông tin từ phía Hàn Quốc, ngày 25/7, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn là vũ khí dẫn đường chiến thuật mới xuống biển sau khi đưa ra các lời cảnh báo về các cuộc tập trận quân sự giữa Washington và Seoul sẽ diễn ra vào tháng tới.

Triều Tiên từng cảnh báo các cuộc tập trận quân sự thường niên Mỹ-Hàn có thể ảnh hưởng đến việc nối lại kế hoạch đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Quân đội Hàn Quốc cho biết: “Quân đội của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình trong trường hợp xuất hiện thêm các vụ phóng mới và duy trì tư thế sẵn sàng.”

Choi Hyun-soo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói: “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên dừng ngay các hành động vốn không thể giúp giảm bớt căng thẳng quân sự."

Hai tên lửa được phía Triều Tiên phóng từ bờ biển phía Đông thành phố Wonsan và bay hơn 430km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

[Hàn Quốc: Triều Tiên phóng loại tên lửa mới chưa từng thấy trước đây]

Phía Tokyo cho biết các tên lửa của Triều Tiên không chạm đến vùng biển của nước này, còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya gọi động thái này của Triều Tiên là “cực kỳ đáng tiếc.”

Ông nói: “Chúng tôi cho đến nay vẫn xác nhận rằng chúng (các tên lửa) không vươn tới lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế của nước chúng tôi."

Dấu hiệu của sự thất vọng

Các chuyên gia cho rằng vụ phóng tên lửa ngày 25/7 của Triều Tiên là một chiến thuật đàm phán kinh điển khi đối phó với Washington - một cách để gây áp lực buộc chính quyền Mỹ đưa ra các đề xuất sát hơn với yêu cầu của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng thỉnh thoảng đã thúc giục Seoul và Washington tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hoặc một cách thức để tối đa hóa lợi ích từ bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Giáo sư Kim Yong-hyun, một nhà nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk, bình luận: "Đó là một trong những cách phản đối cường độ thấp (của Bình Nhưỡng) kêu gọi Washington hạ thấp các rào cản, nhằm giảm bớt các đòi hỏi trong các cuộc đàm phán hạt nhân nếu Mỹ muốn tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên."

Trong khi đó, nhà báo Rob McBride của tờ Al Jazeera cho biết vụ phóng tên lửa lần này cũng được coi là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của Triều Tiên trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ, chủ yếu là với phía Mỹ.

Ông nói: "Đó cũng là cách Triều Tiên thể hiện sự bất mãn trước việc các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận quân sự vào tháng tới. Những cuộc tập trận này đã được thu nhỏ lại nhưng chúng vẫn diễn ra và Triều Tiên không hài lòng về điều đó."

Ông cho biết thêm rằng: “Có một cảm giác thất vọng từ quan điểm của Triều Tiên. Họ coi (Tổng thống Mỹ) Donald Trump là hy vọng tốt nhất để nhận được sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, và đây là một cách nhắc nhở thế giới và Mỹ rằng họ vẫn là một thế lực được vũ trang hạt nhân, họ vẫn còn những công việc dang dở và họ muốn quay lại bàn đàm phán."

Bình Nhưỡng từng bắn tên lửa tầm ngắn vào ngày 9/5, và Tổng thống Mỹ cho rằng việc đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-un và ông Trump đã đồng ý nối lại cuộc đàm phán tại cuộc họp bất ngờ diễn ra hôm 30/6 ở Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên.

Sau cuộc họp đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các cuộc đàm phán cấp độ làm việc có thể sẽ bắt đầu vào giữa tháng Bảy này.

Sức ép rõ ràng

Tuy nhiên, tuần trước, Triều Tiên đã đưa ra cảnh báo về các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn, vốn được tổ chức trong nhiều năm và được thu nhỏ quy mô để giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên.

Triều Tiên đã lên án các cuộc tập trận là "sức ép rõ ràng" và "vi phạm tinh thần" trong tuyên bố chung mà ông Trump và ông Kim Jong-un đã ký tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ ở Singapore năm 2018.

Triều Tiên thậm chí còn ám chỉ rằng họ có thể xem xét lại việc ngừng thử nghiệm hạt nhân vì các cuộc tập trận này, dù Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn lạc quan về các cam kết của hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp tại DMZ và tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Việt Nam hồi tháng 2/2019.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6/ 2018, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thông qua một tuyên bố mơ hồ về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" và đồng ý "thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên."

Tuy nhiên, việc không đạt được thỏa thuận giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và những gì Triều Tiên sẵn sàng đáp trả, đã dẫn đến sự sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng vào tháng Năm, thời điểm các cuộc đàm phán giữa ông Trump và ông Kim Jong-un lâm vào bế tắc và khi Triều Tiên lần đầu tiên bắn tên lửa tầm ngắn kể từ tháng 11/2017.

Đầu tháng Bảy này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết mô hình "đơn phương từ bỏ các cam kết của Washington" bằng cách tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc đang khiến Bình Nhưỡng phải xem xét lại các cam kết của chính mình về việc ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

[Phản ứng của Tổng thống Mỹ về vụ Triều Tiên thử nghiệm vũ khí]

Hôm 23/7, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin ông Kim Jong-un cùng các nhà lãnh đạo chương trình tên lửa đang kiểm tra một tàu ngầm lớn, mới được chế tạo.

Điều này có khả năng báo hiệu sự phát triển liên tục trong chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên.

Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sejong, phân tích: "Ngay sau khi tiết lộ một tàu ngầm mới được chế tạo trong một phản ứng rõ ràng trước cuộc tập trận quân sự chung do Hàn-Mỹ lên kế hoạch, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa tầm ngắn như một phần trong nỗ lực nâng cao tinh thần của người dân và quân đội trước ngày 27/7," ngày mà hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) được ký kết.

Chuyên gia này nói thêm: "Đáng chú ý là tờ Rodong Sinmun (của Triều Tiên) đã đăng các bài viết về Chiến tranh Triều Tiên trên nhiều trang của báo này ngày 25/7. Với tất cả những điều đó, cùng với các vụ phóng tên lửa ... chúng ta có thể dự đoán rằng sẽ có ít nhất một vài lần nữa Triều Tiên thực hiện hành động quân sự dữ dội trong những ngày tới."

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tất cả những động thái này không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ quay lưng lại với đối thoại.

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, lưu ý rằng mặc dù ông Kim Jong-un ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với ông Trump, song ông ta sẽ khó từ chối các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên vì ông đã công khai đồng ý tiến hành chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục