Trang mạng Bloomberg.com và washingtonpost.com đưa tin, theo 4 nguồn thạo tin, chính quyền Trump sẽ không gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt với một số nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.
Đây được coi là động thái làm rung chuyển các thị trường năng lượng và kích động các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Lệnh miễn trừ trừng phạt - được áp dụng với Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ hết hạn vào ngày 2/5 tới.
Chính quyền cũng sẽ công cố cam kết của các nhà cung cấp khác, bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), về việc bù đắp thiếu hụt nguồn cung dầu thô của Iran trên thị trường.
Quyết định ngừng các lệnh miễn trừ này có ảnh hưởng tới các thị trường dầu mỏ, vốn dự đoán rất “sôi nổi” về quyết định của ông Trump.
Giới chức Mỹ cho rằng tình trạng thị trường đình trệ sẽ ở mức rất nhỏ bởi 2 lý do: Nguồn cung hiện cao hơn cầu và ông Pompeo cũng sẽ công bố các cam kết từ các nhà cung cấp khác.
Quyết định ngừng các lệnh miễn trừ này - được gọi là “miễn trừ giảm đáng kể” (SRE) - cũng trở nên “chính trị hóa” tại Washington, với các quan chức và nghị sĩ theo quan điểm diều hâu công khai ủng hộ việc ngừng gia hạn.
Các quan chức cũng nhắc tới bình luận của đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook, người trước đó nói rằng các lệnh miễn trừ phù hợp với bối cảnh năm ngoái do những lo ngại về giá dầu mà ông Trump bày tỏ.
Theo ông, năm nay, mọi thứ trở nên khác biệt. Ông Hook nói: “Bởi chúng ta dự đoán cung nhiều hơn cầu trong năm 2019 nên chúng ta có các điều kiện thị trường tốt hơn để thúc đẩy kế hoạch giảm nhập khẩu về 0. Chúng ta sẽ không cho bất kỳ ai được miễn trừ hay ngoại lệ trước cơ chế trừng phạt của chúng ta.”
[Iran: Mỹ sẽ chịu hậu quả nếu ngăn cản Tehran xuất khẩu dầu]
3 trong số 8 nước được miễn trừ hồi tháng 11/2018 đã ngừng nhập khẩu dầu của Iran, bao gồm Hy Lạp, Italy và Đài Loan.
Các nước còn lại phải ngừng nhập khẩu dầu từ Iran hoặc phải chịu trừng phạt của Mỹ gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện là các nước lớn nhất nhập khẩu dầu từ Iran. Nếu họ không làm theo yêu cầu của Tổng thống Trump, điều đó sẽ kích động căng thẳng trong quan hệ song phương và thậm chí lan sang các vấn đề khác như thương mại.
Hàn Quốc và Nhật Bản hiện ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ Iran và đã dè dặt hơn trong hoạt động này. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Ankara đã “kỳ vọng” vào lệnh miễn trừ khác, nhưng không nhận được gì.
Ông Trump nói rằng ông muốn chính phủ Iran trở lại bàn đàm phán và ký kết một thỏa thuận tốt hơn thỏa thuận Tổng thống Barack Obama đã ký. Chính phủ Iran thì khẳng định họ không có ý định làm vậy.
Dù sao đi nữa, quyết định tăng cường chiến dịch “gây sức ép tối đa” đồng nghĩa với việc tước đi nguồn tiền mặt mà Iran cần thiết để thực hiện các hành động xấu xa khác trên thế giới.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Mục tiêu của chính sách này là gia tăng tổn thất mà Iran phải trả cho hành vi độc ác của họ và giải quyết mạnh mẽ hơn nữa một loạt mối đe dọa với hòa bình và an ninh mà chế độ của họ gây ra.”
Mặc dù số liệu nội bộ của chính phủ Mỹ về xuất khẩu dầu mỏ Iran chưa được công bố, nhưng báo cáo từ các phân tích tư nhân cho thấy xuất khẩu dầu mỏ Iran đã tăng lên hồi đầu năm 2019, có thể do các nước gia tăng tích trữ dầu trước khi lệnh miễn trừ kết thúc, và sau đó sụt giảm vào tháng 3/2019 khi các nước tìm cách “cai” dầu mỏ của Iran.
Hiện, có một số dấu hiệu cho thấy việc sức ép đang có tác dụng. Iran không thể chuyển dầu mỏ cho Syria từ tháng 1/2019 do các lệnh trừng phạt quốc tế được áp dụng.
Khó có khả năng chế độ Iran sẽ ngồi lại với chính quyền Trump để đàm phán về một thỏa thuận tốt hơn hay thay đổi căn bản hành vi của họ. Tuy nhiên, từ tháng Năm, nguồn thu nhập từ dầu mỏ của họ sẽ bị giảm đi./.