Động thái của EU chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận

Việc EU xem xét xếp kịch bản Brexit không có thỏa thuận là một thảm họa sẽ cho phép EU giải phóng quỹ dự phòng khẩn cấp để giúp đỡ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét liệu có nên xếp kịch bản Anh rời khỏi EU (Brexit) mà không có thỏa thuận là một thảm họa tự nhiên lớn tương tự như lũ lụt, hỏa hoạn hoặc động đất hay không.

Động thái này sẽ cho phép EU giải phóng quỹ dự phòng khẩn cấp để giúp đỡ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo kế hoạch trên, các quan chức EU có thể trích tiền từ quỹ hỗ trợ thiên tai của EU (Solidarity Fund) của khối, được lập ra vào năm 2002 để đối phó với thời tiết khắc nghiệt của năm đó.

Mỗi năm EU có thể giải ngân khoảng 500 triệu euro (546 triệu USD) từ quỹ này, cùng với số tiền chưa sử dụng của năm trước.

Đề xuất trên làm nổi bật sự tương phản giữa các biện pháp mà EU và Chính phủ Anh thực hiện để chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận.

Nhiều ý kiến nhận định London không đánh giá đúng mức những thiệt hại kinh tế nếu kịch bản trên xảy ra.

Ireland là một trong những quốc gia đầu tiên sẽ được nhận hỗ trợ từ EU. Ngân hàng trung ương Ireland đã cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận có thể làm mất đi 34.000 việc làm ở nước này vào cuối năm 2020 và hơn 100.000 việc làm trong trung hạn.

Các quốc gia khác như Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đặc biệt là những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thương mại với Anh.

Các nhà ngoại giao EU sẽ thảo luận chi tiết của đề xuất này trong tuần này. Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg cho biết EU sẽ cân nhắc khả năng lùi thời hạn Brexit sau ngày 31/10, mặc dù nhấn mạnh "sự kiên nhẫn của chúng tôi không phải là mãi mãi."

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cũng tuyên bố EU sẽ không thay đổi thỏa thuận "ly hôn" với Anh.

[EU dội gáo nước lạnh vào chiến lược của Thủ tướng Anh Johnson]

Ông Barnier khẳng định yếu tố gây tranh cãi nhất của thỏa thuận Brexit, gọi là cơ chế "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit, là mức độ linh hoạt tối đa mà EU có thể đưa ra.

Ông nhấn mạnh điều khoản này vẫn phải là một phần trong bất kỳ thỏa thuận Brexit nào, và với cách hành xử của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông không "lạc quan" về việc London có thể tránh được kế hoạch rời khỏi "ngôi nhà chung" vào ngày 31/10 tới mà không có thỏa thuận.

Trước đó, ngày 30/8, Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland Simon Coveney cũng cho rằng quan điểm hiện nay của Chính phủ Anh về Brexit là vô lý, khẳng định London chưa đưa ra các đề xuất đáng tin cậy và vững chắc để thay thế điều khoản "chốt chặn" nêu trong thỏa thuận mà EU và Anh ký kết hồi cuối năm ngoái.

Ngoại trưởng Ireland cho rằng quan điểm hiện nay của Thủ tướng Boris Johnson về Brexit là rất rõ ràng và dứt khoát nhưng hoàn toàn không chấp nhận được và EU sẽ không ủng hộ.

Kể từ khi nhậm chức tháng 7/2019, tân Thủ tướng Anh, nhân vật từng kêu gọi loại bỏ điều khoản "chốt chặn" hoàn toàn, tuyên bố sẽ đưa Xứ sở Sương mù ra khỏi EU trong mọi hoàn cảnh vào thời hạn chót 31/10, nhằm tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân với kết quả 52% số người ủng hộ ra đi hồi năm 2016.

Ông Johnson còn khẳng định Anh sẽ không trả toàn bộ 39 tỷ bảng hóa đơn "ly dị" cho EU, nếu như Anh rời EU không thỏa thuận vào ngày 31/10 tới.

Về phía mình, EU đến nay vẫn bác các đề xuất của Anh liên quan đến việc London sẽ trả một phần hay toàn bộ 39 tỷ bảng Anh cho "hóa đơn ly dị."

Theo Brussels, London sẽ vẫn phải trả đủ 39 tỷ bảng dù có rời EU không thỏa thuận hay không, bởi đây là cam kết tài chính mà nước Anh cần phải thực hiện.

Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu trước số 10 phố Downing ngày 2/9, Thủ tướng Anh Johnson khẳng định sẽ không yêu cầu EU trì hoãn Brexit và những người tham gia đàm phán với EU sẽ phải được thực thi nhiệm vụ của mình mà không bị Quốc hội can thiệp.

Ông cũng kêu gọi các nghị sỹ cùng nhau thực hiện những chương trình nghị sự cho người dân như chống tội phạm, cải thiện hệ thống y tế công, trường học công, giảm chi phí sinh hoạt cho người dân, tạo điều kiện cho người tài và các cơ hội phát triển vùng miền trên khắp Anh.

Nhằm đối phó trước cam kết mà Thủ tướng Johnson tuyên bố là sẽ đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10 tới bất chấp có hay không có thỏa thuận, một số nghị sỹ thuộc các đảng phái và phe nhóm khác nhau đã liên kết nhằm ngăn chặn ý định này của ông Johnson.

Những nghị sỹ này hy vọng sẽ đề xuất dự thảo vào ngày 3/9 để yêu cầu tiến hành cuộc thảo luận khẩn cấp.

Dự luật này đã được nghị sỹ Công đảng Hilary Benn công bố, trong đó yêu cầu Thủ tướng đề xuất EU hoãn Brexit đến ngày 31/1/2020 trừ khi các nghị sỹ đồng ý thông qua thỏa thuận mới với EU hoặc bỏ phiếu đồng ý nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 19/10 tới.

Chính phủ Anh cho biết có thể sẽ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 14/10 tới nếu các nghị sỹ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông không muốn kêu gọi tổng tuyển cử sớm, nhưng cho rằng những tiến bộ đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể có được nếu các nghị sỹ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Một quan chức chính phủ Anh cho biết kêu gọi tổng tuyển cử sẽ được đưa ra nếu các nghị sỹ tiến hành những bước thông qua dự luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận trong tuần này.

Quan chức này cho biết thêm Thủ tướng Johnson tin rằng ông sẽ nhận được đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Quốc hội để tiến hành kêu gọi tổng tuyển cử sớm.

Thủ tướng Johnson cũng khẳng định nếu các nghị sĩ ủng hộ thì ông hoàn toàn có thể đạt được những điều khoản thay đổi với EU trong thỏa thuận Brexit tại cuộc họp thượng đỉnh EU vào 17/10 tới.

Đây là những điều khoản khiến cho Thỏa thuận Brexit giữa EU và người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May đã bị Quốc hội Anh bác bỏ 3 lần.

Ông Johnson cho rằng việc các nghị sỹ bỏ phiếu nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận sẽ ảnh hưởng bất lợi đến vị thế của Anh khi ngồi vào bàn thương thảo với EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục