Đồng ruble vẫn giảm mạnh bất chấp nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nga

Đồng ruble đã mất khoảng 25% giá trị so với đồng USD và là một trong ba đồng tiền (cùng với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng peso của Argentina) có diễn biến tệ nhất trong số các thị trường mới nổi.
Đồng ruble vẫn giảm mạnh bất chấp nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nga ảnh 1Đồng ruble của Nga. (Ảnh: The Moscow Times/TTXVN)

Ngày 14/8, đồng ruble của Nga đã phá vỡ mức tâm lý quan trọng là 100 ruble đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, ngay cả sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tìm cách ngăn chặn sự sụt giảm của đồng nội tệ bằng cách tạm dừng mua ngoại tệ trên thị trường nội địa trong thời gian còn lại của năm 2023.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng ruble đã suy yếu và mất khoảng 25% giá trị so với đồng USD, khiến nước này nằm trong số ba đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong số các thị trường mới nổi, cùng với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng peso của Argentina.

Giá trị của đồng ruble gần như giảm một nửa so với mức cao nhất ghi nhận vào tháng 6/2022, giữa bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục không có hồi kết và các biện pháp trừng phạt bao gồm cả việc hạn chế giá dầu làm giảm doanh thu của Nga từ xuất khẩu.

Hồi tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã tuyên bố sẽ ngừng mua ngoại tệ trên thị trường trong nước theo cơ chế ngân sách được đưa ra để bảo vệ nền kinh tế khỏi sự dao động của giá cả hàng hóa. Theo ngân hàng này, quyết định trên nhằm mục đích “giảm bớt sự biến động của thị trường tài chính.”

Nhà kinh tế Nga Alexander Isakov nói: “Để ổn định đồng ruble, chúng tôi ước tính lãi suất cần tăng lên gần 10% và chi tiêu ngân sách liên bang phải được giữ trong mức trần tài khóa.

[Nga ghi nhận tuần giao dịch đồng ruble kém nhất từ đầu năm đến nay]

Đồng ruble có thể được hưởng lợi từ giá dầu thô tăng cao, nhưng chính sách tiền tệ trong nước sẽ vẫn là một mỏ neo đáng tin cậy hơn cho đồng tiền này.

Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cần tăng lãi suất chủ chốt từ 0,5-1 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 15/9 để thu hút dòng tiền gửi tiết kiệm trong nước và giảm nhập khẩu”.

Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga, doanh thu của các nhà xuất khẩu dầu khí Nga đã giảm xuống còn 6,9 tỷ USD trong tháng 7/2023, từ mức tương ứng 16,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Việc Chính phủ Nga nới lỏng các hạn chế đối với việc chuyển tiền ra nước ngoài đã dẫn đến tình trạng rút vốn nhanh hơn khi người Nga đua nhau chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã nhiều lần chỉ ra rằng tình hình hoạt động ngoại thương xấu đi là nguyên nhân chính khiến đồng ruble suy yếu, đồng thời bác bỏ khả năng can thiệp để hỗ trợ tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Alexey Zabotkin mới đây cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ rủi ro nào đối với sự ổn định tài chính từ sự sụt giảm của đồng ruble."

Ông cho biết Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục tuân thủ chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi, cho phép nền kinh tế thích ứng hiệu quả với các điều kiện bên ngoài đang thay đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục