Đồng ruble của Nga mạnh lên trong phiên giao dịch ngày 30/12, gần về mốc 70 ruble/USD so với đồng USD.
Giữa bối cảnh một năm đầy biến động sắp kết thúc, tháng giao dịch cuối cùng của năm nay chứng kiến đồng ruble bị chi phối bởi những lo ngại về tác động của việc phương Tây áp mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga.
Đồng ruble tăng 1,8% so với đồng USD, đứng ở mức 70,87 ruble/USD, phục hồi từ mức thấp nhất trong tám tháng là 72,91 ruble/USD ghi nhận trong phiên trước đó.
Đồng ruble đã mất khoảng 13% giá trị so với đồng USD kể từ khi Phương Tây áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu dầu của Nga từ ngày 5/12, dù các nhà phân tích nói rằng tác động kỹ thuật sẽ được cảm nhận mạnh mẽ hơn trong tháng 1-2/2023.
Phiên này, đồng nội tệ Nga đã tăng 0,4% so với đồng tiền chung châu Âu, giao dịch ở mức 75,5 ruble/euro và tăng 2,9% so với đồng nhân dân tệ, lên 9,89 ruble/nhân dân tệ.
[Đồng ruble của Nga tiếp tục suy yếu do các lệnh trừng phạt]
Cùng ngày, Bộ Tài chính Nga cho biết tỷ lệ tối đa có thể dự trữ đồng nhân dân tệ trong Quỹ tài sản quốc gia (NWF) của Nga đã tăng gấp đôi, lên 60%, khi cơ cấu lại quỹ này khẩn cấp để giảm sự phụ thuộc vào tiền tệ từ các quốc gia được gọi là "không thân thiện" với Nga.
Sự phục hồi của hoạt động nhập khẩu, vốn bị sụp đổ sau khi Nga quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukrane khiến phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt và các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, đã làm đồng ruble suy yếu.
Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại công ty Locko, cho biết: "Ước tính trung bình tỷ giá đồng ruble của chúng tôi biến động từ 67,4-81,1 ruble/USD vào năm 2023."
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này đã đưa ra phản ứng được chờ đợi từ lâu đối với mức giá trần của Liên minh châu Âu (EU) khi ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga từ ngày 1/2 tới và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023./.