Đồng ruble của Nga đã chạm mức thấp nhất trong hơn hai tuần vào phiên 28/7 do chịu sức ép do kỳ thanh toán thuế thu nhập kết thúc và kỳ vọng Chính phủ Nga có thể cố gắng kiềm chế đà tăng giá gần đây của đồng tiền này.
Vào lúc 20 giờ 42 phút ngày 28/7 theo giờ Việt Nam, đồng ruble giảm 1,9% so với đồng USD, giao dịch ở mức 1 USD đổi 61,03 ruble và giảm 2,1% so với đồng euro, giao dịch ở mức 1 euro đổi 62,02 ruble, mức thấp nhất kể từ ngày 11/7 so với cả hai đồng tiền trên.
Ngày 28/7 là hết thời hạn thanh toán thuế nhu nhập, nhân tố hỗ trợ đồng ruble. Khi đó các nhà xuất khẩu giảm bớt bán ra thu nhập bằng ngoại tệ của họ, mặc dù thặng dư tài khoản vãng lai cao của Nga có thể giúp đồng ruble tránh được sự sụt giảm mạnh hơn.
Đồng ruble cũng bị áp lực giữa lúc thị trường kỳ vọng Chính phủ Nga sẽ có các biện pháp để hạn chế đà mạnh lên của đồng ruble vì nó làm giảm thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa.
Ông Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư của Locko-Invest, cho biết kinh tế toàn cầu suy thoái, lãi suất toàn cầu cao, đồng USD mạnh và tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga đều đe dọa đến hoạt động xuất khẩu và năng suất giảm, đồng thời làm đồng ruble suy yếu.
Tuy nhiên, ông Polevoy cho hay nếu không có quy định về ngân sách, điều này sẽ không diễn ra nhanh chóng. Trong ngắn hạn, đồng ruble vẫn có khả năng suy yếu, và dự kiến giao dịch ở mức 1 USD đổi 65-70 ruble vào cuối năm nay.
Thị trường dự đoán chính phủ sẽ sớm điều chỉnh và khôi phục quy tắc ngân sách của Nga nhằm chuyển nguồn thu từ dầu vào quỹ dự phòng khẩn cấp của nước này.
[Nền kinh tế Nga liệu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất?]
Các nhà phân tích đã nói rằng đồng ruble có thể phục hồi lên mức 1 USD đổi 57-58 ruble trong ngày 28/7 giữa lúc giá dầu cao và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản ngày 27/7.
Đồng ruble là đồng tiền giao dịch tốt nhất trên thế giới cho đến nay nhờ các biện pháp được triển khai nhằm bảo vệ hệ thống tài chính của Nga khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Các biện pháp này bao gồm việc hạn chế các hộ gia đình Nga rút ngoại tệ tiết kiệm.
Tuy vậy, bất chấp đồng ruble mạnh lên, triển vọng kinh tế Nga vẫn ảm đạm. Cơ quan Thống kê liên bang Nga cuối ngày 27/7 công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp, thu nhập khả dụng thực tế và doanh số bán lẻ của Nga đều giảm so với năm, dù cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục./.