Ngày 24/2, đồng ruble của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016.
Các nhà giao dịch cho biết đồng ruble đã giảm 3,6% so với đồng USD xuống 84,07 ruble/USD và giảm 3,9% xuống mức thấp kỷ lục 95,24 ruble/euro, trước khi hoạt động giao dịch nhanh chóng bị tạm dừng.
MOEX Group, đơn vị điều hành Sở giao dịch Moskva, cho biết hoạt động giao dịch trên tất cả các thị trường đã bị đình chỉ và việc nối lại sẽ được thông báo sau.
Trong khi đó, các ngân hàng Nga đã tăng mạnh tỷ giá thu mua ngoại tệ. Ngân hàng Alfa Bank đề nghị mua USD và euro với giá lần lượt là 91,44 ruble và 101,11 ruble. Ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank đã đề nghị mua euro với giá 116 ruble.
Trong một thông báo Ngân hàng trung ương Nga cho biết diễn biến của thị trường tài chính trong tầm kiểm soát và sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định.
[Khủng hoảng Nga-Ukraine khiến thị trường tiền điện tử lao dốc]
Trong khi đó, giá nhôm đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi xuất hiện thông tin Nga, nhà sản xuất nhôm quan trọng trên thế giới, tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Giá nhôm tăng lên mức 3.382,5 USD/tấn, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 3.380,15 USD, xác lập từ tháng 7/2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhà phân tích thị trường Daniel Briesemann từ Commerzbank nhận định giá nhôm tăng là điều đã được dự báo trước nếu xảy ra tình huống như hiện nay.
Các bên tham gia thị trường rõ ràng đều lo ngại nguồn cung nhôm từ Nga bị ảnh hưởng nếu các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt khiến Nga đưa ra các biện pháp đối ứng.
Trước đó, giá nhôm, loại vật liệu kim loại cơ bản, đã liên tục tăng do nguồn cung toàn cầu hạn hẹp, đặc biệt là từ Trung Quốc./.