Trong phiên giao dịch sáng 29/7 tại thị trường Moskva, đồng ruble của Nga đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần qua so với đồng euro, tiếp nối đà giảm trong bối cảnh giới phân tích nhận định Chính phủ Nga có thể áp dụng các biện pháp để kiềm chế mức tăng giá của đồng ruble trong thời gian gần đây.
Vào lúc 7h56 giờ GMT (14h56 giờ Việt Nam), đồng ruble giảm 1%, giao dịch ở mức 62,38 ruble/euro - mức thấp nhất kể từ ngày 8/7 có mức quy đổi 62,55745 ruble/euro.
So với "đồng bạc xanh" của Mỹ, đồng ruble giảm 0,6%, còn 61,17 ruble/USD.
[Chuyên gia quốc tế nhận định về đồng ruble của Nga suy giảm]
Nhà phân tích Bogdan Zvarich thuộc Banki.ru cho rằng đồng ruble liên tục giảm giá trong các phiên giao dịch gần đây khi mất dần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là giai đoạn nộp thuế thu nhập kết thúc hôm 28/7 - thời điểm các doanh nghiệp chuyển đổi các khoản thu ngoại tệ.
Ông Zvarich cho rằng xu hướng này có thể còn tiếp tục và chính phủ sẽ sớm áp đặt trở lại các quy định về ngân sách. Một trong những biện pháp đang áp dụng là doanh nghiệp xuất khẩu phải đổi ngoại tệ sang ruble, trong bối cảnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga.
Từ đầu năm đến nay, đồng ruble của Nga là đồng tiền mạnh nhất thế giới, một phần do các biện pháp của chính phủ nước này bảo vệ hệ thống tài chính của Nga trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Đồng rubble mạnh khiến các quan chức Nga lo ngại vì ảnh hưởng đến thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa.
Ngân hàng trung ương Nga đã thực hiện 4 đợt giảm lãi suất từ đầu năm đến nay để hỗ trợ đồng nội tệ.
Hiện mức lãi suất của Nga là 8,0%. Động thái này trái ngược với ngân hàng trung ương nhiều nước đang liên tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát./.