Đông Phi "khủng hoảng" vì hạn hán hoành hành

OCHA cho biết số người cần viện trợ lương thực khẩn cấp ở Đông Phi đã tăng lên 8,4 triệu người do hạn hán hoành hành ở khu vực này.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 30/3 cho biết số người cần viện trợ lương thực khẩn cấp ở khu vực Đông Phi đã tăng từ 2 triệu lên 8,4 triệu người do hạn hán tiếp tục hoành hành ở khu vực này.

Theo OCHA, lượng mưa đặc biệt thấp trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2010 đã làm cho mùa màng thất bát, mực nước xuống thấp, đồng cỏ khô héo và gia súc bị chết tại Gibuti, Ethiopia, Kenya, Somalia và Uganda.

Tình hình càng xấu đi do các cuộc xung đột, giá lương thực cao và các dịch bệnh xảy ra ở người và gia súc. Các dịch bệnh liên quan đến hạn hán trên gia súc đã bùng phát ở mức cao kỷ lục.

Trong tháng 01/2011, hơn 5.000 gia súc chết tại Marsabit, Kenya và con số này đang tiếp tục tăng lên. Trên 10.000 chủ trang trại chăn nuôi gia súc ở Somalia đã phải vượt biên giới sang Kenya, trong khi khoảng 30.000 gia súc và 10.000 chủ trang trại của Kenya lại di cư sang Uganda.

Sự di cư từ Kenya và Somalia sang Ethiopia cũng đã xảy ra. Theo OCHA, tình trạng di cư xuyên biên giới này dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng gay gắt các nguồn thức ăn hiếm hoi và gây ra nguy cơ xung đột giữa những người di cư và cộng đồng dân cư bản địa.

OCHA cũng cho biết tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính đã tăng lên. Một cuộc nghiên cứu tại khu vực Juba ở miền Nam Somalia cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp chiếm đến 30% dân số. Tỷ lệ này tại vùng Đông Bắc Kenya là trên 25% và tại Gibuti là 20%.

Lĩnh vực giáo dục cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngày càng nhiều giáo viên và học sinh phải bỏ trường đi kiếm sống.

Tại Somalia, từ tháng 12/2010, đã có trên 400 trường học phải đóng cửa do hạn hán, ảnh hưởng đến việc học tập của 55.000 học sinh. Tại Ethiopia cũng có đến 58.000 học sinh phải bỏ học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục