​"Dòng nước ngược” ngăn cản Trung Quốc hoàn thành các mục tiêu 2020

Theo ông David Bachman, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể chỉ trích Tổng thống Mỹ và những chính sách khó đoán định của ông Trump nếu không đạt được các mục tiêu 2020.
​"Dòng nước ngược” ngăn cản Trung Quốc hoàn thành các mục tiêu 2020 ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 4/5. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc bị suy yếu do sức ép thuế quan, chính phủ nước này có thể rơi vào nguy cơ phá vỡ một trong những cam kết quan trọng nhất đối với tăng trưởng.

Phần lớn chuyên gia phân tích cho rằng sự hủy hoại đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do tác động thuế quan mà Mỹ áp đặt hiện nay sẽ được giới hạn, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ của 1 điểm phần trăm GDP.

Theo hãng tin Bloomberg, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 sẽ đạt mức 6,3%, tức giảm so với mức 6,6% trong năm 2018.

Giới chuyên gia cho rằng tác động kinh tế có thể mang tính tiêu cực ở mức tương đối và có thể quản lý được, song những tác động chính trị có thể nghiêm trọng hơn.

Càng về những năm sau này, Chính phủ Trung Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2020. Cách đây 6 năm, Chủ tịch Trung Quốc khi ấy là ông Hồ Cẩm Đào đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi cả GDP và thu nhập đầu người.

Vào thời điểm đó, mục tiêu của ông Hồ Cẩm Đào được hiểu là Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 7% vào năm 2020. Trong vòng 2 năm qua, Bắc Kinh đã “dãn” mục tiêu này bằng cách đề ra mức tăng trưởng hàng năm “khoảng 6,5%”, một con số không khó để đạt được.

Nhưng đó là trước khi Bắc Kinh chịu sức ép từ “những con gió ngược” về hợp tác kinh tế quốc tế và thách thức thuế quan của Mỹ. Còn giờ thì Trung Quốc đối mặt với nguy cơ sụt giảm tăng trưởng GDP cả dưới 6,5% và dưới cả mục tiêu tăng trưởng đến năm 2020. Đó là chưa kể đến việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện đang sụt giảm cũng sẽ tạo ra thêm sức ép đối với mục tiêu tăng trưởng 2020.

[Bốn vấn đề khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang]

Do mục tiêu 2020 được nhiều lần nhắc đến trong các kỳ cuộc nên giới chức Trung Quốc đã coi việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2020 là một thước đo quan trọng cho thành công của Trung Quốc nói chung và Đảng Cộng sản nói riêng. Việc không đạt được mục tiêu này có thể là thử thách cho tính hợp lý của các chính sách của đảng và khả năng lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo ông David Bachman, học giả về Trung Quốc đồng thời là Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Washington ở Seattle, ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump và những chính sách khó đoán định của ông Trump nếu không đạt được các mục tiêu 2020.

Giáo sư Bachman cũng cho rằng về mặt tâm lý đối với đảng và ban lãnh đạo thì cam kết mục tiêu 2020 vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, luôn có cách để viện lý do chưa đạt được mục tiêu trên mà không phải chịu đòn chỉ trích, ít nhất từ xã hội. Giới chỉ trích có thể lợi dụng việc “thất hứa” đối với các mục tiêu kinh tế để lập luận rằng việc ông Tập Cận Bình thúc đẩy Trung Quốc trở thành vị thế cường quốc lớn đã đẩy nước này vào cuộc xung đột với một ông Trump khó đoán định.

Cùng với quan điểm trên, ông Lowell Dittmer, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ bị vướng vào bài toán khó giải về hiệu quả kinh tế của Trung Quốc, dù những cam kết mục tiêu 2020 là “di sản” của Hồ Cẩm Đào.

Vậy giải pháp là gì? Nếu đòn thuế quan còn tiếp tục và tăng trưởng kinh tế có nguy cơ không đạt được mục tiêu 2020 thì việc Bắc Kinh sẽ áp dụng biện pháp nào vẫn là điều chưa rõ ràng.

Trong vòng một năm qua, chính phủ đã thực hiện chính sách kiểm soát nợ công, song nỗ lực này có thể bị gạt sang một bên nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục sụt giảm, giáo sư Dittmer nói. Thế nhưng, nếu thực hiện chính sách thúc đẩy tăng trưởng bằng việc kích thích tiêu dùng nội địa lại có thể gây ra những rủi ro không thể chấp nhận. Vì vậy, một giải pháp khác cho mục tiêu 2020 có thể là “thổi phồng” các chỉ số chính thức.

"Họ có thể làm giả số liệu nếu buộc phải như vậy,” chuyên gia Bachman nhận định. Thế nhưng, nếu “thổi phồng” số liệu thì Tổng cục Thống kê Trung Quốc vốn lâu nay “bị tai tiếng” về mức độ tin cậy của số liệu sẽ phải đối mặt với chỉ trích của giới phân tích kinh tế quốc tế. Cơ quan này từng phải đối phó với tình huống này khi bị nghi làm giả số liệu hồi năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục