Đồng nhân dân tệ suy yếu đang hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc

Chuyên gia RBC Capital Markets cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dường như muốn để đồng USD đẩy tỷ giá với đồng nhân dân tệ lên cao hơn, trong bối cảnh đà tăng trưởng của nước này đang suy yếu.
Đồng nhân dân tệ suy yếu đang hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh giới đầu tư đang lo ngại về sự phục hồi kém khả quan của nền kinh tế Trung Quốc, giới phân tích dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ còn giảm hơn nữa, sau khi đồng tiền này đã trượt xuống mức thấp nhất trong sáu tháng qua so với đồng USD.

Đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 5% so với đồng USD kể từ khi ghi nhận các mức cao hồi tháng Một - thời điểm các thị trường toàn cầu hoan nghênh việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Nhiều yếu tố bao gồm các số liệu kinh tế đáng thất vọng, mức độ chênh lệch lãi suất ngày càng lớn với Mỹ, mùa chia cổ tức đang đến gần và tình hình các dòng vốn tháo chạy đã kéo đồng nhân dân tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Đồng tiền yếu trong bối cảnh hiện tại có thể hỗ trợ xuất khẩu, nhất là khi thương mại toàn cầu đang suy giảm, theo nhận định của ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis.

Do nhu cầu toàn cầu suy yếu, lượng đơn đặt hàng mới của Trung Quốc đã giảm xuống trong những tháng gần đây, mặc dù xuất khẩu là một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế nước này trong những năm qua.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có nhiều công cụ chính sách để ngăn chặn những biến động quá lớn về tiền tệ.

Người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối ở châu Á của ngân hàng RBC Capital Markets, Alvin Tan, cho rằng dù đồng nhân dân tệ đã giảm mạnh trong tháng qua, PBoC dường như muốn để đồng USD đẩy tỷ giá với đồng nhân dân tệ lên cao hơn, khi đà tăng trưởng của Trung Quốc đang suy yếu.

Chuyên gia này dự đoán tỷ giá ở mức 7,1 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối quý 3 năm nay, trước khi khép lại năm 2023 ở mức 7,05 nhân dân tệ đổi 1 USD.

[Trung Quốc thông báo bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng]

Tuy nhiên, giới chuyên gia không cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Theo khảo sát mới đây của Reuters, các chuyên gia dự đoán trong năm nay đồng nhân dân tệ sẽ không giảm quá mức 7,3 nhân dân tệ đổi 1 USD - mức thấp ghi nhận trong năm 2022 khi nền kinh tế bị chao đảo vì đại dịch COVID-19.

Chiến lược gia về ngoại hối của ngân hàng Barclays, Lemon Zhang, nhận định đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Zhang cho rằng đồng tiền này tiếp tục giảm giá sẽ không có lợi cho các dòng vốn, vì giới đầu tư sẽ lo ngại về khả năng lỗ khi xem xét các loại tài sản được định giá bằng đồng nhân dân tệ.

10 ngày trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Bằng việc thực hiện các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) trị giá 7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 992,5 triệu USD) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 2%, động thái của PBoC nhằm mục đích duy trì mức thanh khoản hợp lý và dồi dào trong hệ thống ngân hàng.

Đồng nhân dân tệ suy yếu đang hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc ảnh 2Các nhà quan sát cho rằng đà phục hồi của Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nền kinh tế khác. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu chính thức đầu tháng Năm vừa qua cho thấy dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng Tư, khi đồng USD giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Dự trữ ngoại hối của nước này, ở mức cao nhất thế giới, đã tăng từ 3.184 tỷ USD trong tháng Ba lên 3.205 tỷ USD trong tháng Tư - mức tăng 21 tỷ USD trong vòng một tháng. Con số của tháng Tư cũng cao hơn so với mức 3.192 tỷ USD theo một cuộc thăm dò các nhà phân tích của Reuters.

Trước đó, giới chuyên gia Trung Quốc đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự phục hồi kinh tế nước này trong năm nay. Các nhà phân tích cho rằng đà phục hồi kinh tế của nước này đã "nhấn nút tăng tốc" kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

Các nhà quan sát cho rằng đà phục hồi của Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nền kinh tế khác và tạo thêm động lực cho nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.

Trong một dự báo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5,2% trong năm nay, cao hơn mức 3% của năm ngoái. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,1% trong năm 2023.

Hai con số dự báo của IMF và WB đều phù hợp với mục tiêu tăng trưởng năm 2023 chính thức của Trung Quốc là khoảng 5%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục