Dòng người xin tị nạn vào Đức giảm mạnh trong đầu năm nay

Số người di cư xin tị nạn vào Đức giảm mạnh trong đầu năm nay, dấu hiệu cho thấy thỏa thuận biên giới lịch sử EU-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn dòng người di cư vào các "Lục địa già" có hiệu quả.
Dòng người xin tị nạn vào Đức giảm mạnh trong đầu năm nay ảnh 1Những người nhập cư chờ đợi để được đăng ký tại một trung tâm cho người xin tị nạn ở Berlin. (Nguồn: AP)

Số người di cư đăng ký xin tị nạn tại Đức đã giảm mạnh trong đầu năm nay, dấu hiệu cho thấy thỏa thuận biên giới lịch sử giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người di cư tràn vào các quốc gia thuộc "Lục địa già" đang phát huy hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Đức công bố ngày 10/4, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng cộng có khoảng 47.300 di cư đã đến Đức, trong số đó có 60.000 người nộp đơn xin quy chế tị nạn, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn người di cư đến từ các nước đang có chiến tranh và nghèo đói hoành hành như Syria, Iraq và Afghanistan.

Trong khi đó, Văn phòng Phụ trách vấn đề di cư và người tị nạn của Đức cho biết đã xem xét 222.395 đơn xin tị nạn trong quý 1 vừa qua.

Theo đó, một nửa số người tị nạn được cho phép ở lại Đức từ thời điểm hiện tại, trong khi chỉ 1/5 trường hợp được cấp quy chế tị nạn toàn diện.

Thông thường, những người di cư đến Đức đầu tiên phải đăng ký tại các trung tâm tiếp nhận và họ phải đợi một vài tháng trước khi có thể nộp một đơn xin quy chế tị nạn, dẫn đến "sự ùn ứ" số lượng đơn chưa được giải quyết.

Vào thời điểm cuối tháng Ba vừa qua vẫn còn khoảng 278.000 đơn đang trong quá trình xem xét.

Lượng người di cư khổng lồ đến Đức trong 2 năm trở lại đây đã đe dọa uy tín của Thủ tướng nước này Angela Merkel trước thềm cuộc bầu cử vào tháng ​Chín tới, đồng thời tạo cơ hội cho sự nổi lên của đảng cực hữu Sự Lựa chọn vì nước Đức (AfD) với chủ trương chống người nhập cư.

Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với đảng AfD đã lao dốc trong các cuộc thăm dò gần đây trong bối cảnh làn sóng di cư đến Đức đã giảm mạnh sau khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận biên giới cách đây một năm.

Theo thỏa thuận đạt được tháng 3/2016 nhằm hạn chế dòng người di cư đổ về châu Âu, các nước thành viên EU có trách nhiệm đến tháng Chín năm nay phải tái định cư cho 160.000 người nhập cư trái phép đang bị mắc kẹt 2 nước "tuyến đầu" là Hy Lạp và Italy.

Cho đến nay mới chỉ có 13.500 trường hợp người nhập cư được tái bố trí do sự phản đối từ các nước Đông Âu là Hungary và Ba Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục