Ngày 1/12, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cho biết dòng người di cư quốc tế trong năm 2020 vẫn tăng, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có các biện pháp hạn chế đi lại.
Trong báo cáo mới nhất, IOM cho biết số lượng người di cư quốc tế đã lên tới 281 triệu người trong năm 2020 (tương đương 3,6% dân số toàn cầu), tăng so với 272 triệu người di cư quốc tế trong năm 2019 và tăng gần 200 triệu người so với năm 1970, năm ghi nhận 84 triệu người di cư quốc tế (chiếm 2,3% dân số toàn cầu khi đó).
Tuy nhiên, IOM nhấn mạnh rằng số người di cư trong 2020 lẽ ra còn tăng thêm 2 triệu người nữa nếu như không có việc các nước áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó có việc thắt chặt kiểm soát đi lại qua biên giới.
Theo báo cáo, dịch COVID-19 được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động di cư và đi lại trên toàn thế giới. Chỉ riêng trong năm 2020, năm đầu tiên của dịch bệnh COVID-19, khoảng 108.000 lệnh hạn chế đi lại đã được áp đặt trên toàn thế giới trong khi số lượt khách đi máy bay trên toàn cầu đã giảm 60% từ 4,5 tỷ người năm 2019 xuống 1,8 tỷ người năm 2020.
[Pháp kêu gọi các nước châu Âu hợp tác giải quyết vấn đề người di cư]
Phát biểu với báo giới trước khi công bố báo cáo, tác giả của báo cáo, bà Marie McAuliffe cho biết đại dịch COVID-19 "rõ ràng đã làm thay đổi thế giới và tác động tới mọi hình thức di cư cũng như làm giảm hoạt động đi lại."
Theo số liệu của IOM, số người di cư nội địa bởi các nguyên nhân như thảm họa, xung đột và bạo lực đã tăng trong năm 2020, lên khoảng 40,5 triệu người, tăng so với 31,5 triệu người năm 2019.
Người đứng đầu IOM Antonio Vitorino nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến sự mâu thuẫn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Trong khi hàng tỷ người bị kẹt ở nhà vì đại dịch COVID-19, vẫn có hàng chục triệu người phải di chuyển tìm nơi ở mới"./.