Đông Nam Bộ từng bước xây dựng chiến lược thu hút FDI

Với vai trò và vị thế của mình cũng như trải qua quá trình 30 năm thu hút FDI, TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu từng bước có những chính sách, xây dựng chiến lược thu hút FDI.
Đông Nam Bộ từng bước xây dựng chiến lược thu hút FDI ảnh 1(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Với vai trò và vị thế của mình cũng như trải qua quá trình 30 năm thu hút FDI, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu từng bước có những chính sách, xây dựng chiến lược mới trong thu hút vốn FDI, từng bước chuyển từ những ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường… sang những ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Xác lập mục tiêu mới

Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đang không ngừng phấn đấu hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường hơn.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2018-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp được khoảng 575.442 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng là 20,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả trong mọi lĩnh vực, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Thành phố.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế có vốn FDI phải trở thành một thành phần quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Thành phố phát triển hài hòa về chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đưa Thành phố giữ vững vai trò trung tâm tài chính, công nghiệp, dịch vụ, thương mại của cả nước và trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực và trên thế giới.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển, đuổi kịp các thành phố tiên tiến trên thế giới, Thành phố cần “đi tắt, đón đầu”, tiếp nhận công nghệ hiện đại qua các kênh đầu tư từ các quốc gia đã phát triển.

Theo ông Lê Thanh Liêm, việc thu hút vốn đầu tư FDI cần tạo bước đột phá để tận dụng triệt để lợi thế của Thành phố như nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng; dẫn đầu việc phát triển công nghệ; cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; các kênh hỗ trợ doanh nghiệp phong phú...nhằm tăng tính cạnh tranh, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư đến đầu tư tại Thành phố.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, mục tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu trong giai đoạn 2018 -2020 sẽ là tập trung thu hút mới 80 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4 tỷ USD và 80 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 100.000 tỷ đồng; thu hút 15 dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiêp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2017-2020 ước khoảng 96.000 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp trong nước từ năm 2017 đến 2020 khoảng 36.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu thu hút trên 7 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn 2016-2020 cũng như phát triển các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn, tỉnh Bình Dương cũng đã đề ra nhiều giải pháp tập trung.

Đó là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tập trung đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, phát triển mô hình 3 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút vốn FDI, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết chính quyền tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tiếp tục tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp FDI tại địa phương kinh doanh hiệu quả.

Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thực hiện trực tuyến các thủ tục đầu tư. Về lao động, Đồng Nai có nhiều trung tâm đào tạo nghề, các doanh nghiệp có thể đặt hàng để đào tạo nhân lực.Ngoài ra, tỉnh có sàn giao dịch việc làm, doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia tuyển dụng trực tiếp.

Trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở mức cao trong nhiều năm, dư địa nguồn lực cho phát triển còn lại của các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh các các tỉnh Đông Nam bộ (như đất đai, nguồn nhân lực…) sẽ phải tập trung cho các ngành ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược phẩm…; cùng với việc phát triển dịch vụ về tài chính, công nghệ, sở hữu trí tuệ, dịch vụ vận tải, logistic, dịch vụ kinh doanh du lịch, y tế, giáo dục, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hàng hải... có giá trị gia tăng cao.

Đây sẽ là những ngành trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn tới của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ.

[Những “thỏi nam châm” thu hút FDI trong vùng Đông Nam Bộ]

Hướng đến dòng FDI chất lượng cao

Trong bối cảnh nguồn lực về đất đai, tài nguyên ngày càng hạn chế, cùng với quá trình phát triển, kinh nghiệm trong thu hút vốn FDI, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, trong đó đi đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đều đã xây dựng những chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ có giá trị kinh tế lớn.

Xác định đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, lãnh đạo Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định quan điểm trong thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2020 là tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh và lan tỏa, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường.

Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thu hút đầu tư gắn liền với thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, huy động mạnh mẽ các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa-Vũng Tàu, để thực hiện hóa mục tiêu trên, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung rà soát quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật như lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 -2025; quy hoạch logistic (dọc theo tuyến Quốc lộ 51 và sông Thị Vải) và quy hoạch du lịch dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Long Hải-Phước Hải – Hồ Tràm-Bình Châu; rà soát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm ngành công nghiệp có mối liên kết với nhau, tạo chân hàng cho hệ thống cảng Cái Mép-Thị vải; thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Mặt khác, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển dịch vụ logistics, kho vận đáp ứng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tích cực, thuận lợi; thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư.

Trước những yêu cầu từ thực tế trong quá trình phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn, Đồng Nai đang “lái” dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - một trong những điểm nghẽn phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Đây cũng chính là điểm khác biệt trong thu hút vốn FDI của Đồng Nai so với trước đây.

Bên cạnh thu hút vốn từ các tập đoàn lớn, Đồng Nai cũng xác định tập trung thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Cùng đó, phương hướng thu hút FDI trong thời gian tới là tăng chất lượng, tăng nhanh ngành dịch vụ, công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giúp tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chính. Chất lượng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ công nghiệp hỗ trợ.

Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ thường có xu hướng tập trung chuyên môn hóa vào các công đoạn hoặc chi tiết sản phẩm có thế mạnh, do đó có sự chuyên môn hóa sâu, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và tăng trưởng bền vững.

Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài, giải quyết việc làm cho người dân địa phương và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Tương tự, trong chiến lược thu hút nguồn vốn FDI của mình, tỉnh Bình Dương cũng xác định tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tao ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giảm dần các ngành nghề thâm dụng lao động.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm chia sẻ, đứng trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) diễn ra ở các nền kinh tế trên thế giới, Thành phố tập trung phát triển các doanh nghiệp, dự án FDI sẽ thu hút một lượng lớn lao động có hàm lượng tri thức cao.

Dự kiến, đến năm 2020, Thành phố sẽ có môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, có hệ thống các chính sách thu hút và quản lý FDI hoàn chỉnh, đảm bảo khả năng cạnh tranh với các nước khu vực trong việc thu hút các dự án lớn có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục