Đông Nam Á “đứng ngồi không yên” vì Mike Pompeo

Ngoại trưởng Pompeo đã có lịch trình dày đặc qua các chặng dừng chân tại Malaysia, Indonesia, đặc biệt là Singapore với hàng loạt sự kiện lớn trong khuôn khổ Hội nghị AMM 51 và các hội nghị liên quan.
Đông Nam Á “đứng ngồi không yên” vì Mike Pompeo ảnh 1Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp tại Putrajaya, Malaysia ngày 3/8. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du châu Á để tham dự các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Singapore cũng như để thảo luận riêng rẽ với một số nước trong khối.

“Tài sản ngoại giao” mà Pompeo mang theo lần này là sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” mà chính phủ các nước khu vực đang “háo hức” muốn biết nội dung chi tiết.

Đây là nội dung chính mà trang mạng CNBC và Nikkei Asian Review mới đề cập.

Theo CNBC, nhiều ngày sau khi tuyên bố quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 113 triệu USD cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương như một phần trong chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Nhà Trắng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ đề cập chi tiết về chính sách này với giới chức Malaysia, Singapore và Indonesia nhân dịp chuyến thăm châu Á kéo 4 ngày.

CNBC lưu ý rằng chuyến công du châu Á của Pompeo lần này, mang theo “hồ sơ” về sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” diễn ra trong bối cảnh các nước khu vực Đông Nam Á hoài nghi sâu sắc về chính sách của Washington.

Cụ thể, Mỹ đã gây sức ép để các nước khu vực giảm thâm hụt thương mại và đây trở thành mối quan ngại hàng đầu cho nhiều nước, đặc biệt Indonesia. Thế nên, chuyến đi này của Pompeo “có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy những lợi ích của Mỹ trong khu vực,” Michael Mazza, nhà nghiên cứu về chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói.

CNBC bình luận khái niệm của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” cũng khiến các nước Đông Nam Á mang tâm lý lo ngại và dè chừng.

“Một số nước lo ngại rằng chính quyền Trump có thể ép các nước khu vực phải lựa chọn công khai giữa Washington và Bắc Kinh, một động thái mà các nước này sẽ không đồng tình,” Joshua Kurlantzick, nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại lưu ý.

Trong lịch trình dày đặc của mình, ngoại trưởng Pompeo đã dừng chân tại Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Singapore với hàng loạt sự kiện lớn trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan.

Với cam kết đóng góp gần 300 triệu USD để tài trợ an ninh cho khu vực Đông Nam Á và trước đó là khoản đầu tư 113 triệu USD cho các sáng kiến công nghệ, năng lượng và đầu tư tại châu Á, vốn được coi là "khoản chi cho một kỷ nguyên mới của cam kết kinh tế Mỹ trong khu vực," Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đặt dấu ấn trong chuyến công du Đông Nam Á đầy bận rộn.

[Mỹ cần có bước đi hài hòa trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Theo Kurlantzick, liệu các nước Đông Nam Á sẽ công khai chấp thuận chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không vẫn là điều cần chờ câu trả lời, đồng thời ông lưu ý rằng dù nhiều nước trong khu vực có cùng mối quan ngại với Mỹ về các hoạt động đầu tư và chính sách thương mại của Bắc Kinh cũng như các hoạt động của “gã khổng lồ châu Á” này ở Biển Đông.

Còn theo chuyên gia Michael Mazza, các nước (Đông Nam Á) sẽ mong muốn tìm hiểu một cách chính xác họ sẽ đóng vai trò gì trong tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Washington vốn hiện vẫn mơ hồ.

Ông Mazza nói: “Hy vọng Ngoại trưởng Pompeo sẽ dùng chuyến đi này như cơ hội để đặt nền móng đầu tiên cho một chiến lược toàn diện của Mỹ đối với Đông Nam Á, giải thích vì sao chiến lược này quan trọng với họ, các mục tiêu của Mỹ là gì, và Mỹ sẽ làm gì để đạt các mục tiêu này.”

Trong khi đó, ngoại trưởng các nước ASEAN đang nỗ lực để đưa ra được một lập trường chung về một khuôn khổ địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - khái niệm được sử dụng rộng rãi trong thời gian gần đây thay cho khái niệm châu Á-Thái Bình Dương.

Trang mạng Nikkei Asian Review dẫn bình luận của Kyodo rằng động thái này cho thấy cách ASEAN hưởng ứng việc Mỹ gần đây đưa ra khái niệm về sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” để đảm bảo nhóm 10 nước không bị gạt ra ngoài lề sáng kiến này.

Theo dự thảo thông cáo chung của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Singapore, các bên “mong muốn thảo luận thêm về khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết của việc củng cố một cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trọng tâm có tính chất cởi mở, minh bạch, toàn diện và dựa trên các quy tắc.”

Dự thảo đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với mối quan hệ hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đây cũng là lý do thúc đẩy Indonesia “kích hoạt” khái niệm hợp tác này.

Nữ Ngoại trưởng Indonesia Retno nêu rõ rằng sẽ sai lầm nếu mọi người nói về châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà không “đả động” gì đến ASEAN.

Một nguồn tin giấu tên nhận định những sáng kiến như sáng kiến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở “sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế và chính trị của ASEAN, vì vậy, ASEAN cần tìm cách để được tham vấn và được tham gia sáng kiến này.”

Khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy từ năm 2007 khi ông khởi động đối thoại an ninh Bộ Tứ giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Trong những năm gần đây, khái niệm này được đề cập nhiều hơn. Giữa lúc sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, và Ấn Độ Dương, một số giới phân tích chính trị coi khái niệm Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là một nỗ lực nhằm chuyển trọng tâm vào các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thay vì dồn sự quan tâm vào Trung Quốc, nước đang nỗ lực tạo ra một “cú hích” lớn để trở thành một cường quốc thương mại bá quyền thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục