Đông Nam Á đối mặt thách thức mới về bệnh sốt rét

Một trong những thách thức của cuộc chiến chống căn bệnh này hiện nay ở Đông Nam Á là có nhiều loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một trong những thách thức của cuộc chiến chống sốt rét hiện nay là ngày càng có nhiều bằng chứng về loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở Đông Nam Á.

Vừa qua, trong hội nghị về bệnh sốt rét tổ chức tại Australia - Giám đốc Chương trình Sốt rét Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sỹ Robert Newman đã đưa ra khuyến cáo về hiện tượng kháng thuốc xuất hiện ở nhiều nơi thuộc lưu vực sông Cửu Long, Campuchia và Thái Lan.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết những dấu hiệu về loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở biên giới Thái Lan-Myanmar cũng như ở Việt Nam. Điều này làm cho nhiều người e rằng dòng bệnh mới có thể lan tràn và làm cho số tử vong vì sốt rét trên toàn cầu tăng thêm 200.000 người mỗi năm.

Tiến sỹ Robert Newman nhấn mạnh thực tế này đặt ra yêu cầu các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải có những hành động ứng phó khẩn cấp ở tiểu vùng Mekong mở rộng. Bởi nếu không có các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hiện tượng kháng thuốc lan ra khỏi khu vực này sẽ có nguy cơ xảy ra thảm họa y tế công trên thế giới.

Thống kê của WHO cho thấy mỗi năm thế giới có khoảng 216 triệu người mắc bệnh sốt rét, trong đó 650.000 người tử vong, phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi ở châu Phi.

Theo đánh giá WHO, mặc dù thời gian qua trong lĩnh vực y học đã có được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu tỉ lệ tử vong của bệnh sốt rét trong thập niên qua, nhưng bệnh này tiếp tục là một vấn đề y tế toàn cầu, gây tử vong cho hơn 650.000 người mỗi năm, phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi ở châu Phi.

Tại châu Á, các nước bị ảnh hưởng nặng nhất gồm có Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Myanmar. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ở trong năm 2010 bệnh sốt rét gây bệnh cho 30 triệu người và giết chết 42.000 người trên khắp khu vực.

Giám đốc của Tổ chức Hợp tác Đẩy lùi Sốt rét Fatoumata Nafo-Traore cho biết giới hữu trách đang tập trung nỗ lực vào việc tìm hiểu thêm về ký sinh trùng kháng thuốc.

"Sự phát triển của loại ký sinh trùng kháng thuốc artemisinin là thách thức lớn nhất. Nó bắt đầu ở biên giới Campuchia và Thái Lan. Nhưng chúng tôi đã bắt đầu thực hiện những hành động cụ thể để khắc phục."

Bà Nafo-Traore cũng cho hay tuy Australia hiện giờ không có bệnh sốt rét nhưng chính phủ ở đây đã đặt ưu tiên cho việc hỗ trợ các nước khác diệt trừ bệnh sốt rét. Bà hy vọng Australia sẽ cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho các nước kém phát triển hơn trong khu vực để các nước này có thể đẩy lùi bệnh sốt rét./.

Đức Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục