Trong bài viết đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Liên quân Hoàng gia Anh (RUSI), Kelvin Peh - Giảng viên Khoa học Bảo tồn tại Đại học Southampton (Anh) nhận định rằng tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các nước Đông Nam Á chỉ thận trọng biểu thị việc tuân thủ Thỏa thuận Glasgow để ngăn chặn nạn phá rừng. Tuy nhiên, bản thân việc tuân thủ các điều khoản của về ngăn chặn phá rừng cũng sẽ là một cuộc đấu tranh khó khăn.
Hội nghị COP26 được tổ chức nhằm đảm bảo các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tham vọng hơn và đưa ra các kế hoạch chi tiết về hỗ trợ tài chính cũng như cơ chế khác để có thể giúp đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận lớn đầu tiên từ cuộc họp kéo dài hai tuần là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về Rừng và Sử dụng đất của 140 quốc gia nhằm kiềm chế và đẩy lùi tình trạng phá rừng từ nay đến năm 2030. Diện tích rừng được các bên ký kết ước tính là 3,69 tỷ hecta (90,9% diện tích rừng toàn cầu).
Cam kết của các bên cũng bao gồm việc thúc đẩy các hành động bền vững không làm mất rừng và suy thoái đất, hỗ trợ người dân bản địa và cộng đồng địa phương cải thiện sinh kế, tăng đáng kể tài chính và đầu tư cho bảo tồn và phục hồi rừng, nông nghiệp bền vững và quản lý rừng.
Cam kết của các thành viên ASEAN
Cam kết này tuân theo báo cáo gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, trong đó xác nhận rằng các hoạt động của con người, bao gồm cả việc chặt phá rừng, đã làm Trái Đất ấm lên và thế giới cần phải hành động nhanh chóng để ổn định việc tăng nhiệt độ. Do đó, những cam kết này là kịp thời và cần thiết, vì rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu trên hai khía cạnh.
Đầu tiên, rừng loại bỏ carbon trong khí quyển. Trung bình, rừng hấp thụ 7,6 tỷ tấn CO2 - tương đương 20% lượng khí thải toàn cầu - hàng năm. Thứ hai, việc chặt phá rừng liên tục và cháy rừng thường xuyên đang giải phóng một lượng lớn khí carbon vào bầu khí quyển. Loại bỏ các nguồn carbon này sẽ là một thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đông Nam Á chiếm khoảng 12% diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới, nhưng là một trong những nơi có tỷ lệ phá rừng cao nhất. Đáng thất vọng là chỉ có sáu thành viên ASEAN (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam), chiếm 7,6% diện tích rừng nhiệt đới toàn cầu, đã tán thành tuyên bố này. Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan vẫn chưa ký kết, và các nước này chiếm 4,1% rừng nhiệt đới trên thế giới.
[COP26 thể hiện sự đoàn kết toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu]
Singapore, quốc gia giàu có nhất ASEAN, đã ký tuyên bố vào ngày cuối cùng của hội nghị COP26, cho thấy cam kết của quốc gia này đối với các hành động khí hậu quốc gia và toàn cầu. Điều này tạo cơ hội cho Singapore giới thiệu với thế giới về cách thức phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên có thể song hành với nhau.
Việt Nam và Philippines đang chịu nhiều thiệt hại nhất do biến đổi khí hậu trong tất cả các nước ASEAN. Trong báo cáo về Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) của Việt Nam và Philippines, hai nước đã nhấn mạnh đến những thiệt hại kinh tế đáng kể và tổn thất phi vật chất về di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Philippines ước tính siêu bão Hải Yến (Haiyan) đã gây thiệt hại khoảng 4% GDP của đất nước vào năm 2013.
Khu vực Đông Nam Á cũng đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các hiện tượng cực đoan sau khi nhiệt độ tăng từ 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các khu dân cư lớn và các tài sản kinh tế nằm gần các đường bờ biển trong khu vực và do đó rất dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao và ngập lụt ven biển.
Các quốc gia Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết về chống nạn phá rừng. Tuy nhiên, những thách thức vẫn đang xuất hiện.
Một số quốc gia đã thực hiện cam kết giờ đây dường như đang cân nhắc lại về những tác động đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Ví dụ, việc chặt phá rừng để trồng cọ dầu, nhà máy nhiệt điện than và ngành công nghiệp khai thác niken còn non trẻ (cho xe điện) khiến việc bảo tồn rừng trở thành thách thức cho Indonesia.
Liệu ASEAN có thể đáp ứng các mục tiêu không?
Đưa ra cam kết chấm dứt nạn phá rừng ở Đông Nam Á không phải là một ý tưởng mới lạ, một số nước ASEAN đã ký các sáng kiến tương tự trong quá khứ. Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là các nước ký kết Tuyên bố New York về Rừng và cam kết giảm một nửa tình trạng mất rừng vào năm 2020 và chấm dứt vào năm 2030.
Rõ ràng, bốn quốc gia này đã không đạt được mục tiêu do độ che phủ rừng của họ tiếp tục giảm từ 0,5-0,8% kể từ năm 2015. Tiền lệ như vậy tạo ra nghi ngờ về sự sẵn sàng của các quốc gia này trong việc thực hiện những lời hứa đầy tham vọng của họ.
Tuy nhiên, vẫn có những lý do để lạc quan rằng các nước ASEAN có thể giảm tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Theo tuyên bố, 12 tỷ USD tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ được huy động trong 5 năm tới để các nước đang phát triển tăng cường nỗ lực bảo tồn rừng.
Khu vực tư nhân sẽ cung cấp 7,2 tỷ USD, bên cạnh khoản tài trợ bổ sung 1,7 tỷ USD do 14 nhà tài trợ chính phủ và tư nhân cung cấp để hỗ trợ người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong vai trò người bảo vệ rừng của họ.
Riêng Indonesia, Việt Nam và Philippines, cùng với 42 quốc gia khác, cũng đã ký cam kết bảo vệ thiên nhiên và chuyển đổi hệ thống canh tác để cắt giảm lượng khí thải. Thông báo bao gồm 660 triệu USD do Vương quốc Anh tài trợ để bảo vệ rừng và các cam kết có thể thúc đẩy “hơn 4 tỷ USD đầu tư mới của khu vực công vào đổi mới nông nghiệp.”
Những hứa hẹn tài chính này là kịp thời và mang lại hy vọng rằng, các nước ASEAN - đã kêu gọi hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực - có thể đáp ứng cam kết về khí hậu của họ. Những hỗ trợ tài chính như vậy cũng có thể thuyết phục các nước kém phát triển nhất ở Đông Nam Á, chẳng hạn như Campuchia và Lào, ký vào cam kết chống phá rừng.
Để tuyên bố thành công và để nguồn tài trợ đến được với các cộng đồng địa phương, vấn đề quản trị ở các nước Đông Nam Á cần phải được cải thiện. Một vấn đề quan trọng là, các quốc gia minh bạch như thế nào trong việc báo cáo tiến độ đạt được các mục tiêu phá rừng của họ. Tính minh bạch rất quan trọng vì điều này cung cấp cách thức để theo dõi tiến trình hành động khí hậu của mỗi quốc gia.
Các nước ASEAN thiếu năng lực báo cáo minh bạch có thể yêu cầu hỗ trợ tài chính nhiều hơn trong việc chuyển đổi từ cơ chế Đo lường, Báo cáo và Xác minh hiện tại sang Khuôn khổ Minh bạch Nâng cao (chậm nhất là vào năm 2024 theo Hiệp định Paris). Cơ chế mới sẽ giúp theo dõi xem liệu tài chính khí hậu toàn cầu đã đến được với người dân bản địa và cộng đồng địa phương hay chưa./.