Đông Nam Á bùng nổ các thương vụ công nghệ và thương mại điện tử

Dữ liệu của tổ chức Refinitiv cho thấy số vốn huy động qua sàn chứng khoán của các công ty Đông Nam Á đã tăng lên mức cao nhất của bốn năm trong năm nay, ở mức 8,4 tỷ USD.
Đông Nam Á bùng nổ các thương vụ công nghệ và thương mại điện tử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: gemius.com)

Giới ngân hàng và nhà đầu tư cho biết các công ty công nghệ tài chính (fintech) và thương mại điện tử ở Đông Nam Á đang huy động lượng vốn khổng lồ khi các nhà đầu tư toàn cầu đặt cược vào những công ty công nghệ hậu đại dịch. Xu hướng này cũng gây lo ngại về việc định giá trị quá cao so với giá trị thực của các công ty công nghệ.

Dữ liệu của tổ chức Refinitiv cho thấy số vốn huy động qua sàn chứng khoán của các công ty Đông Nam Á đã tăng lên mức cao nhất của bốn năm trong năm nay, ở mức 8,4 tỷ USD. Công ty thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia đang thu hút sự quan tâm về đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO).

Trong năm nay các khoản đầu tư cổ phần tư nhân gia tăng và đạt khoảng 8,2 tỷ USD, song vẫn thấp hơn so với kỷ lục 8,9 tỷ USD trong năm 2020. Số lượng thành viên câu lạc bộ công ty khởi nghiệp “kỳ lân” với giá trị từ hơn 1 tỷ USD cũng tăng.

Các ngân hàng và giới đầu tư cho hay công ty công nghệ GoTo của Indonesia sẽ dẫn đầu trong hoạt động huy động vốn trong ngắn hạn khi công ty này dự kiến huy động được 2 tỷ USD trước khi IPO. Trong khi hàng chục công ty khởi nghiệp đang tìm cách niêm yết ở thị trường khu vực hoặc Mỹ trong vòng hai năm tới.

Xu hướng hoạt động sôi động của thị trường diễn ra khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy người tiêu dùng chấp nhận các nền tảng kỹ thuật số và giới đầu tư tìm kiếm các công ty dựa trên nền tảng Internet, vốn có khả năng giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, tại khu vực có dân số tới 650 triệu người.

Không chỉ vậy, các quỹ đầu tư toàn cầu nhiều tiền mặt cũng tăng cường tập trung vào những cơ hội trong khu vực Đông Nam Á, giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường siết chặt các công ty công nghệ.

Người phụ trách khu vực Đông Nam Á Jeffrey Perlman của quỹ mua lại Warburg Pincus, một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực, cho biết: “Có sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trên thị trường đại chúng để tiếp cận đà tăng trưởng của khu vực này.”

Theo giới thạo tin, các công ty khởi nghiệp muốn sớm niêm yết trong năm nay gồm có công ty du lịch Traveloka của Indonesia và trang mua bán điện tử Carousell với trụ sở chính tại Singapore.

[Đông Nam Á: 'Miếng bánh' béo bở với các công ty công nghệ Trung Quốc]

Ngoài ra, công ty khởi nghiệp thương mại điện tử aCommerce của Thái Lan và Pomelo Fashion đang cân nhắc tiến hành IPO trong năm sau. Mới đây, công ty vận chuyển hàng hóa Ninja Van cho hay doanh nghiệp logistics này cũng có khả năng sẽ tiến hành IPO, song không cho biết cụ thể về thời điểm tiến hành.

Tuy nhiên, các công ty này chưa có bình luận gì về các thông tin trên.

Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, đến năm 2025 quy mô của nền kinh tế Internet của Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp ba lần so với cuối năm 2020, đạt 300 tỷ USD.

Số liệu của công ty theo dõi ngành công nghiệp Preqin cho thấy tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á trong sáu tháng đầu năm nay đã đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD, cao hơn so với mức 8,2 tỷ USD của năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục