Đồng Nai xem xét lại dự án khoáng sản do người dân khiếu kiện

Tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường xem xét lại dự án khai thác khoáng sản tại ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu.
(Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)

Trước những phản ánh bức xúc của người dân và các cơ quan thông tin đại chúng liên quan đến dự án khai thác khoáng sản tại ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, ngày 16/12, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường xem xét lại dự án và có báo cáo tỉnh để có hướng giải quyết phù hợp.

Dự án khai thác khoáng sản tại ấp 2, xã Bình Lợi được Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường và Ủy ban Nhân dân tỉnh ký Quyết định cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp và đô thị Việt Nam (IDICO) với thời gian khai thác từ năm 2012-2019.

Tuy nhiên, do mỏ được khai thác với độ sâu là 60m, chiếm trên diện tích 40ha thuộc cánh đồng lúa 3 vụ/năm rộng hơn 100ha, nên hàng ngàn người dân lo lắng sẽ bị ô nhiễm không sản xuất được.

Nhiều hộ dân ở ấp 2, xã Bình Lợi đã có đơn tập thể gửi đến Hội đồng Nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cơ quan báo chí ở Trung ương và dịa phương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ... đề nghị bỏ quy hoạch để giữ cánh đồng lúa và nhiều vườn bưởi trong vùng.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2008-2013, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nộp cho ngân sách khoảng 200 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh thu được khoảng 4,6 tỷ đồng/mỏ khai thác khoáng sản.

Nếu làm một phép tính tạm, mỏ đá ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu được cấp phép khai thác trong 7 năm và như vậy số tiền ngân sách tỉnh thu được từ khai thác đá ước chỉ trên dưới 40 tỷ đồng.

So với diện tích đất bị mất đi và hàng trăm ha cây trồng xung quanh bị ảnh hưởng, làm liên lụy đời sống của nhiều hộ dân và còn nhiều hệ lụy khác nên nhiều người dân xã Bình Lợi kiến nghị tỉnh nên xem xét lại quy hoạch trên.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân ấp 2 xã Bình Lợi lo lắng, nếu mỏ đi vào hoạt động sẽ mất đi nhiều mảnh ruộng thuộc “bờ xôi ruộng mật.”

Nhiều người dân Bình Lợi còn sợ ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là người già, trẻ nhỏ.

Bà Hoa bày tỏ, không biết ngân sách sẽ thu được bao nhiêu tiền, nhưng phá tan một cánh đồng lúa và vườn bưởi ở xung quanh; cả trăm hộ dân bị ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe... thì chính quyền cũng phải cân nhắc lại.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Lợi Đặng Thị Hồng Lan, năm 2010 khi làm quy hoạch, nhiều người dân đã phản đối vì đây là cánh đồng trồng lúa 2-3 vụ cho năng suất khá cao, giáp cánh đồng là nhà dân và vườn trồng bưởi, cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao.

Vì vậy, khi khai thác đá, không chỉ cánh đồng bị ảnh hưởng mà có thể nhiều vườn cây cũng chịu ảnh hưởng chung. Vấn đề trên nhiều năm nay trong lần tiếp xúc cử tri nào người dân ấp 2 và các ấp lân cận cũng lo lắng, bức xúc kiến nghị bỏ quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng, mỏ đá này phù hợp với quy hoạch và đã được tỉnh cấp phép khai thác từ năm 2012. Trước đây, khu này quy hoạch khai thác 2 mỏ đá 70 ha, sau đó nhiều người dân phản ánh, tỉnh đã bỏ quy hoạch 1 mỏ 30 ha.

Theo khảo sát từ trước năm 2010, đây là khu vực đất lúa kém hiệu quả nhưn nếu thực sự khu vực này là cánh đồng lúa 2-3 vụ cho hiệu quả kinh tế cao, chính quyền xã có thể đề nghị bỏ quy hoạch không khai thác đá.

Trên cơ sở đó sẽ có đánh giá lại, nếu bỏ quy hoạch tốt hơn cho dân, sẽ đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục