Đồng Nai vươn lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Thành tích khích lệ

Trong quá trình hơn 10 năm thực hiện, Đồng Nai đã đạt được mục tiêu sớm nhất, là địa phương dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Đồng Nai vươn lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Thành tích khích lệ ảnh 1 Với 2ha trồng rau ngót hữu cơ, gia đình ông Lại Văn Luyến (ấp Tân Bình 2, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) có thu nhập ổn định hơn 1 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình hơn 10 năm thực hiện, Đồng Nai đã đạt được mục tiêu sớm nhất, cũng là địa phương dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Với những kết quả đạt được, khu vực nông thôn ở Đồng Nai đã dần đổi thay, rút ngắn khoảng cách kinh tế, hạ tầng giữa khu vực đô thị và nông thôn. Giờ đây Đồng Nai vẫn tiếp tục hoàn thiện xây dựng nông thôn mới, đi lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Đồng Nai, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, nông thôn tỉnh Đồng Nai đã chuyển mình, đổi mới và phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa cuộc sống của người dân nông thôn hướng đến hiện đại hơn.

Phát triển mọi mặt

Trên trục đường di chuyển từ thành phố Biên Hòa (trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai) về khu vực nông thôn các huyện, quang cảnh đã thay đổi nhiều hơn so với 10 năm trước đây. Những tuyến đường nông thôn được nhựa hóa, hai bên đường được người dân địa phương cùng chính quyền các xã trồng hoa, trang trí cây xanh đẹp mắt.

Đến xã Lang Minh ở huyện Xuân Lộc, người dân được đi qua con đường sen đẹp mắt, đầy hoa sen nở, lá sen xanh tươi trên một tuyến dài. Ông Đoàn Văn Thiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc chia sẻ để tạo cảnh quan cho khu vực nông thôn, vừa giúp người dân xã Lang Minh tận hưởng được nét đẹp vùng quê đúng nghĩa, Ủy ban Nhân dân xã Lang Minh đã thực hiện chương trình trồng sen trên trục đường chính vào xã, tạo cảnh quang tươi đẹp cho những người mới đến.

[Những miền quê khởi sắc nhờ xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh]

Qua quá trình hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã Lang Minh đã có những biến đổi rõ nét. Vốn là xã thuần nông, nhưng hiện nay người dân đã ý thức được sử dụng vườn cây của mình để phát triển kinh tế kép bằng du lịch nông thôn, du lịch sinh thái.

Riêng Ủy ban Nhân dân xã Lang Minh cũng đầu tư trang trí cảnh quang hai bên đường trên các tuyền đường trong xã, như đường sen Lang Minh, tu bổ các kênh dẫn nước để tạo thành con đường sinh thái, thu hút khách du lịch đến với xã Lang Minh. Từ đây, người dân có thể thúc đẩy được du lịch nông thôn mạnh mẽ, tăng thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các mặt, có ý nghĩa lớn và khích lệ với nhiều điểm nổi bật, khu vực nông thôn toàn tỉnh có sự chuyển biến, đổi mới rõ nét, sản xuất phát triển ổn định; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên thông giữa các trung tâm, hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trạm y tế đạt chuẩn, điện đáp ứng thường xuyên cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt dân cư; môi trường sinh thái có bước cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố và nâng cao về chất lượng hoạt động; an ninh trật tự chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần người dân khu vực nông thôn được nâng cao rõ nét.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 61,75 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm mạnh từ 6,22% năm 2010, đến nay xuống chỉ còn 0,04%.

Tỉnh đã hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11/11 (100%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước 2 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh đặt ra.

Tỉnh Đồng Nai vinh dự là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba.

Đồng thời, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh của cả nước được trung ương chọn thực hiện thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu (huyện Xuân Lộc nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững).

Thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 18 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận. Kết quả Chương trình đạt được đã tạo dấu ấn phát triển mới trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Người dân giữ vai trò chủ thể

Xây nông thôn mới tại các địa phương cả nước nói chung, tại tỉnh Đồng Nai nói riêng luôn lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Tất cả mục tiêu chính là làm cho nông thôn phồn thịnh, người dân nông thôn phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, rút ngắn khoảng cách mọi mặt so với khu vực đô thị.

Đồng Nai vươn lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Thành tích khích lệ ảnh 2Được mùa rau ngót ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong những năm qua, nhờ chương trình nông thôn mới mà khu vực nông thôn đã khởi sắc về phát triển kinh tế, người dân làm chủ được trang trại, chủ động về thu nhập và xa hơn là chủ động trong các mối liên kết phát triển kinh tế.

Ông Lê Hữu Thiện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, chia sẻ trong năm qua, nông dân tỉnh Đồng Nai đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua phát triển sản xuất, làm giàu, nhất là hỗ trợ các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Trong năm, Hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động được trên 29 tỷ đồng tiền mặt, gần 9.500 ngày công lao động, 11 tấn phân bón, hơn 6.500 lít thuốc bảo vệ thực vật, gần 154,4 tấn lương thực, gần 8,3 tấn hạt giống giúp đỡ cho gần 2.000 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai, nông dân là lực lượng trực tiếp xây dựng, giữ gìn và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn. Họ còn là lực lượng bảo quản, giữ gìn hệ thống đường sá, cơ sở vật chất ở nông thôn. Nông dân cũng là chủ thể tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở các vùng nông thôn; từng gia đình góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp ở các vùng nông thôn.

Trong năm qua, hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân đã tham gia phát quang, dọn vệ sinh các tuyến đường giao thông; tham gia nâng cấp, tu sửa đường giao thông trong khu dân cư, dọn vệ sinh, trồng cây xanh đường giao thông…

Thành quả lớn nhất không phải chỉ ở của cải vật chất mà là nông dân đã có sự chuyển biến rất lớn về mặt nhận thức trong tiếp cận với khoa học công nghệ, tiếp cận với thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản bằng uy tín, chất lượng…, ông Lê Hữu Thiện chia sẻ thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện nhiều hơn cho các hợp tác xã phát triển sản xuất, chính vì vậy, hợp tác xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích 70ha trồng sen, có 13 sản phẩm OCOP từ sen đạt 3, 4 sao.

Hoặc như trường hợp ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn  Thanh Mai, huyện Xuân Lộc, vốn là người không chuyên trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng đã mạnh dạn đầu tư nuôi chim trĩ đỏ bán thịt, trứng và con giống cho những người dân nông thôn phát triển kinh tế.

Ông Khanh cho biết với giá bán 230.000 đồng/kg thịt, các nhà hàng sẵn sáng đặt hàng thịt chim trĩ với cơ sở chăn nuôi Thanh Mai. Ngoài thịt chim trĩ, ông Khanh còn hoàn tất các thủ tục, chứng từ an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh trên chim trĩ trước khi đưa ra thị trường sản phẩm trứng chim trĩ.

Bằng những giấy chứng nhận này, sản phẩm trứng chim trĩ của ông Khanh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đưa vào hệ thống siêu thị COOP mart, siêu thị AEON mart. Ngoài ra, ông Khanh còn cung ứng giống chim trĩ và chuyển giao kĩ thuật nuôi chim trĩ lấy trứng cho người dân nông thôn trong khu vực huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện cho người dân nơi đây phát triển kinh tế, ổn định thu nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục