Đồng Nai quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi đô thị trong 2015

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai kiên quyết thực hiện việc di dời đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trước ngày 1/1/2016.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai kiên quyết thực hiện việc di dời đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch. Đến ngày 31/12, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong danh sách phải chuyển đến nơi mới; tỉnh không gia hạn thêm thời gian di dời.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương vào ngày 20/10, để bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư trên địa bàn Đồng Nai.

Để các cơ sở thực hiện đúng tiến độ di dời, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai lưu ý Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai cần có văn bản cụ thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai giới thiệu rõ các địa điểm phù hợp cho doanh nghiệp chuyển đến.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, năm 2012, Ủy ban Nhân dân Đồng Nai đã ban hành quyết định di dời đối với 479 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch ra khỏi đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Nay đã qua gần bốn năm nhưng việc thực thi vẫn rất chậm trễ.

Cụ thể, đối với 37 cơ sở gốm sứ, mặc dù các cơ sở này đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký quyết định thuê đất song vẫn chưa có cơ sở nào di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa). Với 128 cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường và quy mô cam kết bảo vệ môi trường, từ năm 2012 đến nay mới chỉ có 50 cơ sở di dời. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh Đồng Nai mới chỉ có 23/294 cơ sở đã di dời.

Về nguyên nhân của tình trạng các cơ sở sản xuất chậm di dời khỏi khu đô thị, khu đông dân cư, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho rằng do các cơ sở gặp khó khăn về tài chính bởi di dời đến nơi mới, họ phải thuê, mua đất để xây dựng nhà xưởng. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng gặp khó vì theo quy định họ phải vào hoạt động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song các cụm công nghiệp ở Đồng Nai lại chậm được xây dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục