Đồng Nai: Phát huy lợi thế rừng tự nhiên lớn để phát triển du lịch trải nghiệm

Những năm gần đây, Đồng Nai là một trong những địa phương có du lịch sinh thái rừng khá phát triển, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm trong rừng ngày càng tăng.

Cắm trại, ngủ lều trong không gian sinh thái hồ Trị An, Khu Bảo tồn Thiên nhiên -Văn hoá Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Cắm trại, ngủ lều trong không gian sinh thái hồ Trị An, Khu Bảo tồn Thiên nhiên -Văn hoá Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngoài thế mạnh là tỉnh phát triển về công nghiệp, Đồng Nai còn là địa phương giữ được diện tích rừng tự nhiên lớn nhất Đông Nam Bộ. Rừng ở Đồng Nai có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú với hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm được bảo tồn khá tốt, đây là tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Những năm gần đây, Đồng Nai là một trong những địa phương có du lịch sinh thái rừng khá phát triển, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm trong rừng ngày càng tăng.

Du khách thích thú trải nghiệm

Theo thống kê của Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về diện tích rừng với hơn 181.000ha.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, đơn vị đón hơn 35.000 lượt khách đăng ký tham quan, học tập, trải nghiệm các hoạt động trong rừng.

Các công ty du lịch lữ hành, trường học, sinh viên, học sinh… từ các tỉnh, thành phố lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về đăng ký các hoạt động trải nghiệm, học tập trong rừng, nhất là các hoạt động đi bộ, đạp xe đạp, tìm hiểu hệ sinh thái rừng.

TTXVN_2704dulichDongnai2.jpg
Chèo thuyền kayak, trải nghiệm du lịch sinh thái ở điểm du lịch Đá Chữ Thập (Tân Phú, Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chị Phan Tuyết Dân (ngụ Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đây là lần thứ 3 chị quay lại rừng Mã Đà thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Mỗi lần tới đây, chị thường đăng ký tour du lịch 2 ngày 1 đêm với các hoạt động cắm trại tại khu vực hồ Trị An và tham gia đạp xe trong rừng.

Theo chị Phan Tuyết Dân, đạp xe trên những con đường mòn xuyên qua cánh rừng với nhiều khúc cua uốn lượn, cây xanh rợp bóng mát luôn mang lại cảm giác tươi mới, khiến mọi căng thẳng trong cuộc sống đều bị cuốn trôi.

Điều khiến chị ấn tượng nhất khi đến đây là những khu rừng già xanh biếc, thảm thực vật đa dạng, được nhìn thấy nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ vài thế kỷ sừng sững giữa rừng xanh bạt ngàn.

“Chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km, nhưng rừng Mã Đà là địa điểm ‘chữa lành’ vô cùng phù hợp. Cảm giác thật thú vị khi được đạp xe dưới tán rừng, vừa rèn luyện sức khỏe, xả stress, vừa được tự khám phá, mở rộng tầm mắt bởi những điều thú vị của rừng xanh. Càng đi sâu vào rừng, không khí càng trở nên mát mẻ, trong lành hơn,” chị Phan Tuyết Dân chia sẻ.

Là giáo viên dạy vẽ, trung bình một năm 2 lần, chị Nguyễn Hạnh Ngọc (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) lại đăng ký tour đi bộ trong rừng cho học sinh lớp vẽ tham gia trải nghiệm, để hiểu hơn về thiên nhiên và phát triển khả năng sáng tạo.

Chị Nguyễn Hạnh Ngọc cho biết mỗi chuyến đi thực tế tại rừng, các bạn học sinh rất hiếu kỳ và hứng thú với những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Trong suốt quá trình tham quan, đi bộ trong rừng, các bạn được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, giới thiệu thảm thực vật trong rừng, đặc điểm của các loại thú rừng. Đây luôn là những trải nghiệm tuyệt vời, giúp các bạn hiểu hơn về rừng, các loại động vật hoang dã; đặc biệt giúp các bạn giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học trên trường, lớp.

Ông Bùi Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái-Văn hóa-Lịch sử chiến khu Đ, cho biết mỗi năm Trung tâm nhận và hướng dẫn hàng chục ngàn lượt khách trải nghiệm các hoạt động trong rừng. Sau mỗi chuyến đi, đa phần Trung tâm nhận được những phản hồi rất tích cực từ du khách bởi khu rừng đã mang lại không khí trong lành, sự yên tĩnh giúp du khách có được sự thoải mái, thư giãn. Trước khi kết thúc chuyến đi, có không ít đoàn du khách hứa hẹn tiếp tục trở lại trong thời gian tới.

Cuối năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030.

Đề án được thực hiện trên tổng diện tích hơn 100.000ha, trong đó có hơn 68.000ha là đất lâm nghiệp nơi có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, phù hợp phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá rừng và gần 33.000ha là mặt nước hồ Trị An, nơi có hơn 70 hòn đảo lớn nhỏ có thể khai thác nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm rừng, hồ.

Đảm bảo an toàn cho du khách và cánh rừng

Theo Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, du lịch trải nghiệm đang là xu thế và nhu cầu của du khách rất lớn. Tuy nhiên, trong mỗi chuyến trải nghiệm, ngoài việc tạo ra sự hài lòng cho du khách, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ các thảm thực vật, môi trường sinh thái của khu rừng trong suốt chuyến đi.

Ông Bùi Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái-Văn hóa-Lịch sử chiến khu Đ cho biết đối với việc khai thác du lịch sinh thái trong rừng, nguy cơ sợ nhất là xảy ra cháy rừng, nhất là trong tận rừng sâu. Do đó, để đảm bảo an toàn cho khu rừng và du khách, trước mỗi chuyến đi, Trung tâm thường có kế hoạch cụ thể để phù hợp với mục đích của từng đoàn du khách.

TTXVN_2704dulichDongnai3.jpg
Khách du lịch trải nghiệm, tìm hiểu thiên nhiên, văn hoá Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hoá Đồng Nai vùng hồ Trị An, thị trấn Vĩnh An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN)

Mỗi đoàn du khách thực hiện chuyến trải nghiệm trong rừng đều có hướng dẫn viên, cán bộ kiểm lâm dẫn đoàn, hướng dẫn và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đội ngũ hướng dẫn viên của Trung tâm đều được đào tạo đầy đủ những kiến thức về rừng, về động vật hoang dã và cách xử lý những tình huống khẩn cấp.

Cùng với đó, trước mỗi chuyến đi, du khách phải có thỏa thuận, cam kết tuân thủ theo hướng dẫn, quy định của đơn vị quản lý về công tác bảo vệ rừng, những việc nên và không nên làm khi ở trong rừng. Nếu du khách lựa chọn trải nghiệm những cung đường xa thì phải báo cáo với các trạm kiểm lâm sở tại để có những phương án hỗ trợ kịp thời.

Ông Bùi Văn Toàn cho biết Trung tâm đang tập trung khai thác những tour trải nghiệm với tuyến đường ngắn, nơi có mạng lưới hệ sinh thái đa dạng để du khách hiểu được giá trị của rừng, được trải nghiệm, đi vào thực địa. Còn những tuyến đường dài có thể gặp được động vật hoang dã, trung tâm chưa khai thác nhiều và đang xây dựng cụ thể các quy định cho chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn cho khách tham quan.

“Hy vọng trong thời gian tới các ngành chức năng liên quan, những nhà xây dựng hoạch định sẽ cùng tham gia với Khu Bảo tồn để xây dựng những tour, tuyến du lịch đường dài chuyên nghiệp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập giúp du khách có được trải nghiệm tuyệt vời nhất,” ông Bùi Văn Toàn cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)
Link bài gốc Copy link
Lê Xuân

Tin cùng chuyên mục