Dự án Hương lộ 2 và cầu Vàm Cái Sứt được tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.
Sau hơn 4 năm triển khai, một số đoạn tuyến Hương lộ 2 đã được xây dựng; trong đó cầu Vàm Cái Sứt là dự án quan trọng nhất trên tuyến đã được xây dựng hoàn thành, sắp nghiệm thu.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tuyến đường kết nối hai đầu cầu đến nay vẫn chưa được xây dựng, nguy cơ gây lãng phí vốn nhà nước.
Hai công trình trọng điểm kết nối Đồng Nai-Thành phố Hồ Chí Minh
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Hương lộ 2 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, được khởi công xây dựng vào tháng 10/ 2020, chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến Hương lộ 2 có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 51, xã Long Hưng và phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa), kết nối với cầu Vàm Cái Sứt và nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, trong số đó, riêng dự án xây cầu Vàm Cái Sứt được đầu tư với số vốn 387 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Hương lộ 2 được xây dựng kỳ vọng là tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm thành phố Biên Hòa với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí-Long Thành-Dầu Giây, giúp giảm tải cho Quốc lộ 51 và kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng Đông-Bắc.
Đối với cầu Vàm Cái Sứt nằm trong Dự án xây dựng tuyến Hương lộ 2 là hạng mục quan trọng nhằm giúp kết nối liền mạch Quốc lộ 51, tuyến Hương lộ 2 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực ven sông Đồng Nai, giảm tải cho quốc lộ 51 khi các phương tiện có thể lưu thông giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cầu Vàm Cái Sứt có chiều dài 649m; trong đó phần cầu dài hơn 451m và đường dẫn dài 197m.
Cầu có khổ rộng 23,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, cầu được thiết kế với vận tốc 70km/giờ.
Sau 2 lần gia hạn về thời gian hoàn thành, đến nay cầu Vàm Cái Sứt đã hoàn thiện các hạng mục và dự kiến nghiệm thu vào tháng 12/2024, trong khi hiện nay tuyến Hương lộ 2 vẫn còn vướng mặt bằng, đối với đoạn 2 vẫn chưa thể triển khai.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN vào ngày 12/11, nhiều phương tiện và công nhân đang thi công một số hạng mục phụ như be bờ taluy dương, kẻ vạch sơn và trải nhựa một số mặt đường hai đầu cầu.
Một cán bộ đang làm việc tại hiện trường cầu Vàm Cái Sứt cho biết, các hạng mục của cầu cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, hiện tuyến đường kết nối hai đầu cầu vẫn chưa được triển khai, do đó chưa biết đến khi nào cầu mới đưa vào khai thác.
Nguy cơ gây lãng phí vốn nhà nước
Trước nguy cơ lãng phí khi cầu Vàm Cái Sứt hoàn thành, nhưng tuyến Hương lộ 2 vẫn còn dở dang, chưa thể kết nối liền mạch, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án Xây dựng Hương lộ 2 nối dài và phương án thực hiện đầu tư kết nối giao thông toàn tuyến.
Nội dung văn bản Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết tháng 9/2024, Tổ chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có thông báo về kết quả hội nghị giao ban; trong đó, có nội dung đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện tuyến Hương lộ 2 đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ yêu cầu.
Đồng thời, thống nhất chủ trương, giải pháp giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý các vướng mắc tại dự án Xây dựng Hương lộ 2 nối dài, đoạn 1, giai đoạn 1 trước ngày 20/9/2024.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế trong tháng 10/2024, các nội dung vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng dự án vẫn chưa được xử lý.
Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh khẩn trương ban hành các quyết định xử lý các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Biên Hòa tiếp tục tăng cường vận động, thuyết phục, tuyên truyền và thông tin rõ các vấn đề liên quan chính sách bồi thường, tái định cư, nhất là thông tin rõ, cụ thể về các vị trí tái định cư để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, đề nghị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cần tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân có đất thu hồi thuộc phạm vi dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với Dự án cầu Vàm Cái Sứt, hiện không còn có khó khăn, vướng mắc và tiến độ thi công đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch. Tuy nhiên, sau khi cầu hoàn thành và nghiệm thu sẽ không phát huy được hiệu quả sử dụng công trình và hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công, do hiện nay không có đường kết nối với cầu.Để phát huy hiệu quả toàn tuyến Hương lộ 2, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo khẩn trương rà soát các dự án trên tuyến Hương lộ 2, sớm có phương án thực hiện đầu tư kết nối giao thông toàn tuyến đảm bảo theo quy định pháp luật và tình hình thực tế của địa phương; từ đó phát huy hiệu quả đầu tư dự án, tránh lãng phí vốn nhà nước.
Tại thời điểm 9 giờ sáng 12/11, có mặt tại dự án Hương lộ 2 và cầu Vàm Cái Sứt, phóng viên TTXVN nhận thấy hai khung cảnh trái ngược nhau.
Đối với các đoạn tuyến Hương lộ 2, không ghi nhận các đơn vị thi công tại công trường. Trong khi đó, cầu Vàm Cái Sứt, đơn vị thi công đang triển khai máy móc và nhân sự để hoàn thành những hạng mục phụ còn lại, trước khi nghiệm thu, dự kiến vào tháng 12/2024.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, hiện nay, dự án Đầu tư xây dựng đường Hương Lộ 2 nối dài (đoạn 1-giai đoạn 1) vẫn còn vướng mặt bằng 250m đoạn qua xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa.
Trong khi đó, tuyến Hương lộ 2 nối dài, đoạn 2 từ cầu Vàm Cái Sứt kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây hiện vẫn chưa được đầu tư.
Mặc dù cầu đã thông, nhưng tuyến kết nối vẫn còn dang dở đang hiện hữu nguy cơ gây lãng phí nguồn vốn nhà nước./.
Bình Dương: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.